Kiểm tra đạt mới được thanh tra thi
- Từ 17 - 20.6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 sở giáo dục và đào tạo. Kết quả kiểm tra như thế nào, thưa ông?
- Kết quả kiểm tra ghi nhận, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được thực hiện sớm và chủ động. Trong đó, phương án xếp phòng thi, phòng chờ dựa trên các nguyên tắc theo quy chế thi, số lượng thí sinh, đăng ký bài thi của từng nhóm đối tượng dự thi đã được thực hiện trên Hệ thống quản lý thi.
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện thông tin, liên lạc tại Hội đồng thi và điểm thi cũng như phương án vận chuyển đề thi, bài thi, phương án bố trí các phòng tại điểm thi được giữ ổn định như năm 2023. Các sở giáo dục và đào tạo đã dự kiến phương án xử lý một số tình huống bất thường; thông tin về các tình huống và phân cấp xử lý tình huống bất thường.
- Con người đóng vai trò quan trọng trong quá trình thanh tra thi, góp phần không nhỏ vào thành công của kỳ thi. Việc lựa chọn, tập huấn nhân sự làm công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã được thực hiện ra sao?
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 1.071.393, tăng hơn 45.000 thí sinh so với năm 2023. Cả nước có 2.323 điểm thi, 45.149 phòng thi. Các tỉnh, thành phố có số thí sinh đăng ký dự thi nhiều nhất là: Hà Nội 109.078 thí sinh; TP. Hồ Chí Minh 88.196 thí sinh; Thanh Hóa 38.677 thí sinh.
- Bên cạnh lực lượng thanh tra tại chỗ, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục huy động khoảng 8.000 cán bộ, giảng viên cơ hữu của các cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi tại 63 sở giáo dục và đào tạo. Về công tác chấm thi, cũng có khoảng 300 cán bộ, giảng viên cơ hữu từ cơ sở giáo dục đại học, cán bộ, công chức từ các sở giáo dục và đào tạo tham gia đoàn kiểm tra chấm thi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn chi tiết, cụ thể cho 600 cán bộ cốt cán là lãnh đạo, công chức thanh tra của 63 sở giáo dục và đào tạo, cán bộ, giảng viên 140 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Cùng với đó, tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT cho 60 cán bộ, công chức của Bộ; tập huấn nghiệp vụ kiểm tra chấm thi cho 260 cán bộ, công chức, viên chức đến từ 63 sở giáo dục và đào tạo và 77 cơ sở giáo dục đại học.
Các thanh tra viên sau khi được tập huấn đã phải tham gia các bài kiểm tra, đạt yêu cầu mới được bố trí tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra. Như vậy, nhân sự làm công tác thanh tra, kiểm tra đến thời điểm này đã được chọn lựa cẩn thận.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cung cấp tài liệu tập huấn kèm sổ tay, tài liệu điện tử (dưới dạng video clip) từ sớm để những người tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra chủ động nghiên cứu và khai thác khi cần thiết.
Không tạo căng thẳng, áp lực
- Nhiều năm qua, phòng chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao luôn là vấn đề nóng, có sự phối hợp tích cực của lực lượng công an. Năm nay, đại diện Bộ Công an đã cảnh báo việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để gian lận thi cử. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp như thế nào với Bộ Công an để ứng phó với vấn đề này?
- Về nhận diện thiết bị công nghệ cao, vừa qua, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của Bộ Công an tập huấn, hướng dẫn tất cả cán bộ, công chức, giảng viên tham gia công tác thanh tra, kiểm tra cách thức để nhận diện thiết bị công nghệ cao. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã biên tập thành video clip để gửi đến các địa phương, cơ sở giáo dục đại học để cán bộ thanh tra có thể nghiên cứu thường xuyên.
Đồng thời, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có hướng dẫn công an các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục địa phương để tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho đội ngũ tham gia tổ chức các khâu của kỳ thi.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo có lưu ý gì với đội ngũ thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, thưa ông?
- Dù hiện nay các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận có xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người. Do đó, lực lượng cán bộ coi thi cần nắm vững những nguyên tắc thanh tra, kiểm tra kỳ thi, phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các lực lượng khác một cách hiệu quả, nhịp nhàng, trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, góp phần giúp kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Thứ nhất, tuân thủ quy định của pháp luật, thực hiện đúng quy chế thi và các văn bản liên quan đến việc tổ chức kỳ thi, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao, bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng. Thứ hai, phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi. Thứ ba, hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra; không làm thay nhiệm vụ hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra.
Đối tượng được thanh tra, kiểm tra là hội đồng thi, các thầy cô, đồng nghiệp và cả học sinh. Nếu phương pháp làm việc không khéo léo có thể gây xung đột nhỏ, căng thẳng, khó chịu. Ngoài nghiệp vụ, công tác này cần lưu ý đến phương pháp thực hiện, thanh tra, kiểm tra thi trên tinh thần nghiêm túc, đúng quy chế nhưng thân thiện, không tạo sự căng thẳng cho đồng nghiệp và thí sinh; tạo không khí trường thi vừa nghiêm minh vừa thân thiện, không thêm áp lực, quá tải nhưng vẫn đạt được mục tiêu.
- Xin cảm ơn ông!