Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII năm 2023 được Trung ương Đoàn tổ chức nhằm tiếp tục biểu dương, khen thưởng những thanh niên nông thôn tiêu biểu trong khởi nghiệp, lập nghiệp. Đây cũng là diễn đàn để thanh niên giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, kết nối giao thương trong sản xuất, kinh doanh. Giải thưởng là tạo sân chơi để những nhà nông trẻ xuất sắc, kỹ sư, nhà khoa học khẳng định mình và chứng minh những giá trị đã tạo ra trong quá trình gây dựng, giúp sức phát triển kinh tế địa phương. Qua đó, tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình thanh niên tiên tiến trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đồng hành cùng sự trưởng thành của nền nông nghiệp Việt Nam, qua 18 năm, Trung ương Đoàn vinh danh 2.093 gương tiêu biểu, những thanh niên nông thôn bằng ý chí, nghị lực, trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ, phát huy truyền thống, sáng tạo vượt qua khó khăn, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hòa cùng dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế nước nhà đang mạnh mẽ chuyển dịch sang nền kinh tế ứng dụng công nghệ số và ngành nông nghiệp được kỳ vọng là một trọng những ngành tiên phong và hiệu quả nhất.
Các tấm gương nhận Giải thưởng Lương Định Của trong mỗi thời kỳ đã thể hiện rõ tinh thần ấy, đặc biệt là 43 tấm gương năm nay. Mỗi cá nhân là một điển hình khởi nghiệp, lập nghiệp trong nông nghiệp đang mang lại giá trị kinh tế cao, doanh thu và lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm; tạo việc làm cho nhiều lao động là thanh niên trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Bên cạnh đó, các mô hình, sản phẩm còn có tính sáng tạo, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được thị trường trong nước và quốc tế đón nhận.
Thay mặt Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Thu Vân cho biết, Giải thưởng năm nay đã thu hút 77 gương thanh niên từ 49 tỉnh, thành đoàn, gồm 53 nam và 24 nữ. Trong đó, có 14 thanh niên là người dân tộc thiểu số như: Dao, Khmer, Mường, Tày, Thái. 5 thanh niên là chủ của các công trình nghiên cứu khoa học với các sáng kiến tạo ra sản phẩm thiết thực, được bà con nhân dân ứng dụng phục vụ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; 68 thanh niên là chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chủ nhiệm hợp tác xã, hộ kinh doanh; 4 thanh niên trực tiếp phát triển mô hình trồng trọt, phát triển kinh tế trang trại tại địa phương.
Tính theo doanh thu hàng năm, từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng có 5 mô hình; từ 500 triệu đồng đến dưới 800 triệu đồng: 7 mô hình; từ 800 triệu đồng đến dưới 2 tỷ đồng: 10 mô hình; từ 2 tỷ đồng đến dưới 4 tỷ đồng: 16 mô hình; từ 4 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng: 14 mô hình; trên 4 tỷ đồng: 25 mô hình.
“Các mô hình của 77 thanh niên đã tạo việc làm thường xuyên cho 1.031 lao động thường xuyên và 1.258 lao động theo mùa vụ, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua mạng lưới các gương thanh niên nhận giải thưởng các năm, các bạn có cơ hội giao lưu, học tập, chia sẻ, kết nối công việc thường xuyên và phối hợp cùng nhau”, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn Trung ương Đoàn Nguyễn Thị Thu Vân cho biết thêm.
Theo Ban Tổ chức, từ ngày 11 - 13.11, tại TP. Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) sẽ diễn ra “Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc và trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII năm 2023”. Giải thưởng nhằm động viên, cổ vũ thanh niên nông thôn vươn lên làm giàu, xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của đất nước.