Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta”.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng” để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: “Đột phá luôn mang tính mới mẻ, tính hiệu quả, vượt giới hạn, tạo ảnh hưởng lớn. Ví dụ: Trong công nghệ: sự ra đời của điện thoại thông minh đã thay đổi cách con người giao tiếp và làm việc; trong kinh tế: mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng số như Uber, Airbnb, thương mại điện tử... là sự bứt phá đối với ngành công nghiệp truyền thống; công nghệ chỉnh sửa gen (CRISPR) là đột phá lớn của sinh học, y học và nông nghiệp; trong xã hội là những cải cách về chính sách giáo dục, y tế, văn học nghệ thuật, quản lý đang mang lại những thay đổi to lớn về chất lượng sống của con người...)”.
Chia sẻ về công nghệ chỉnh sửa gen trong ngành nông nghiệp, TS. Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết, công nghệ chỉnh sửa hệ gen thông qua hệ thống CRISPR/Cas được xem là phương pháp chính xác và hiệu quả nhất được sử dụng trong cải tạo giống cây trồng hiện nay.
Công nghệ này cho phép tạo ra các đột biến theo định hướng, có thể tác động tới nhiều gen cùng một lúc và đặc biệt là có thể chọn được các dòng đột biến không mang theo bất cứ trình tự ADN ngoại lai trong hệ gen.
“Tức là cây trồng chỉnh sửa gene không mang gene ngoại lai. Điều này giúp tránh được những quan ngại lâu nay về cây trồng chuyển gene dù chưa có bằng chứng cho thấy cây trồng chuyển gene ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, động vật, môi trường và đa dạng sinh học”, TS. Đỗ Tiến Phát cho biết.
Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phát triển và ứng dụng công nghệ này trong gây tạo đột biến định hướng để nâng cao hàm lượng đường và axit amin trong quả của giống cà chua Việt Nam; nâng cao tính chịu mặn của cây lúa; nâng cao tính kháng bệnh virus trên thuốc lá.
Bên cạnh đó, nhiều viện khoa học cùng các doanh nghiệp đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene để tạo ra những giống cây trồng chất lượng cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và thích ứng với điều kiện thời tiết bất thuận.
Các thành tựu nổi bật tính tới thời điểm hiện tại có thể kể tới việc nâng cao tính kháng bệnh bạc lá trên giống lúa bản địa (Viện Di truyền nông nghiệp); nghiên cứu chức năng gene trên lúa và dưa chuột (Viện Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội)...
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị khác như Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh... cũng đang tiếp cận và ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR/Cas trong cải tạo các tính trạng quan trọng của cây trồng.
Những bước tiến trong ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene đã chứng minh tiềm năng lớn lao của Việt Nam trong việc cải thiện các giống cây trồng, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững và hiện đại.
Theo GS.TS. Lê Huy Hàm, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, “khi đứng trước ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của công nghệ chỉnh sửa gene, Việt Nam đã có nền tảng vững chắc để tiếp tục tiến xa hơn”.
Hiện nay, trên thế giới, những cây trồng được ưu tiên chọn tạo và cải tiến bằng công nghệ chỉnh sửa gene gồm các loại ngũ cốc như lúa gạo, ngô, lúa mỳ, đậu tương và loại cây lương thực khác như cà chua, sắn, bông, khoai tây, cây có múi…
Số lượng tính trạng sửa gene nhằm cải thiện chất lượng cây trồng (về thành phần và mùi vị) chiếm nhiều nhất với gần 50% các tính trạng được nghiên cứu. Tiếp đến là các tính trạng kháng sâu bệnh, chống chịu thuốc bảo vệ thực vật và những tính trạng khác như: chống chịu áp lực môi trường, thay đổi màu sắc, cải thiện năng suất, tuổi thọ, tăng trưởng...
Công nghệ chỉnh sửa gen đang được xem là xu hướng phát triển của nông nghiệp toàn cầu. Vì vậy, thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã hoàn thiện hướng dẫn pháp lý với cây trồng chỉnh sửa gene, đi đầu là các quốc gia phát triển ở châu Mỹ, Australia. Ở châu Á, nhiều nước cũng đã hoàn thiện khung pháp lý cho các loại cây trồng này, coi đây là giải pháp canh tác quan trọng trong chiến lược phát triển của từng quốc gia và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học và chuyên gia đang kỳ vọng Việt Nam sớm có các quy định với cây trồng chỉnh sửa gen để tiếp tục triển khai kế hoạch nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm này tại thị trường trong nước.