Tròn sứ mệnh lịch sử
Tuyên Quang - vùng đất đặc biệt của cả nước đã được lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta ghi nhận là nơi "địa đầu quan yếu" của Tổ quốc. Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi đây là “Thủ đô Khu giải phóng” - trung tâm lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 - 1954), Tuyên Quang lại tiếp tục được lịch sử lựa chọn là “Thủ đô kháng chiến”, lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng…
Lật giở lại trang lịch sử, sau khi Việt Nam làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hiệp định Geneve được ký kết. Cuộc chiến tranh kết thúc. Quân Pháp rút về nước, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Thế nhưng, đế quốc Mỹ với mưu đồ xâm lược từ lâu đã lợi dụng cơ hội, gạt Pháp ra, nhảy vào tổ chức, chỉ huy ngụy quyền, ngụy quân tay sai, viện trợ kinh tế quân sự, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới, chia cắt nước ta lâu dài. Cả dân tộc ta lại bước vào chiến đấu chống đế quốc xâm lược mới, đó chính là đế quốc Mỹ…
Từ đây, song song với nhiệm vụ làm tốt công tác quốc phòng, an ninh, bảo vệ thành quả của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tuyên Quang cũng góp phần củng cố miền Bắc chi viện đắc lực cho miền Nam để “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, “Bắc Nam sum họp”. Chỉ tính từ năm 1965 - 1968 liên tục vừa sản xuất vừa chiến đấu, quân, dân Tuyên Quang bắn rơi 16 máy bay, bắt sống giặc lái, góp phần vào cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, làm thất bại âm mưu của đế quốc Mỹ.
Từ năm 1969 - 1972, tỉnh đã xây dựng 4 tiểu đoàn bộ đội địa phương tăng cường cho các đơn vị chủ lực và chiến trường miền Nam. Riêng năm 1972, trước sự leo thang đánh phá lần thứ 2 của đế quốc Mỹ bằng không quân, lực lượng vũ trang của tỉnh đã độc lập chiến đấu trên 20 trận, các lực lượng đã hiệp đồng tác chiến bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái Mỹ. Giai đoạn 1973 - 1975, trước yêu cầu ngày càng cao của cách mạng, tỉnh đã tuyển quân được 1.944 người, tăng cường 160 cán bộ cho Bộ Quốc phòng và chiến trường B, 87 cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân và 10 y, bác sĩ đến vùng giải phóng. Nhiều con em Tuyên Quang đã lập công xuất sắc, được Chính phủ, Quân đội phong tặng danh hiệu cao quý…
Có thể nói, trong những năm chiến đấu anh dũng đầy hy sinh, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó, vừa xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, con em các dân tộc trong tỉnh đã xung phong lên đường nhập ngũ, chiến đấu dũng cảm ở chiến trường và lập công xuất sắc. Nhân dân các dân tộc Tuyên Quang cùng nhân dân cả nước, đã viết nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
Ngọn lửa cổ vũ tinh thần đổi mới
Đã 49 năm kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Hòa vào dòng chảy của thời đại, người dân xứ Tuyên lại nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng đẹp giàu. Đối với người thương binh hạng 2/4 Bùi Đức Xuân (xã Kháng Nhật, huyện Sơn Dương), tháng 4 luôn thật nhiều cảm xúc lắng đọng. Đã gần 5 thập kỷ trôi qua, những ký ức về sự khốc liệt của chiến trường miền Nam vẫn nguyên vẹn trong ông. Chiến tranh đã lấy đi của ông nhiều thứ, trong đó đôi mắt và đôi bàn tay không còn lành lặn như xưa. Dù vậy, ông vẫn luôn nói mình là người may mắn, bởi có rất nhiều đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường miền Nam trước khi được nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay hòa cùng bài ca khải hoàn: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/ Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…”.
49 năm đã đi qua kể từ chiến thắng mùa Xuân năm 1975, chưa bao giờ ông thôi nguôi ngoai, khắc khoải về những ký ức “thời mưa bom - bão đạn”, tất cả ký ức đó được ông xếp ngay ngắn trong tim để trở về quê hương tiếp tục phát huy tinh thần “thép” của người lính Cụ Hồ trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương và không quên kể về quá khứ hào hùng cho con, cháu nghe. Nhìn những rừng keo bạt ngàn xanh tươi nơi nào cũng có dấu chân ông ngày ngày chăm sóc, ông đưa bàn tay không còn lành lặn cười hiền nói với chúng tôi "bàn tay ta làm nên tất cả" và người thương binh có thể "tàn, nhưng không được phế".
Còn đối với ông Trần Đoàn Kết (xã Chân Sơn, huyện Yên Sơn), chất độc da cam đã theo ông từ chiến trường Thừa Thiên Huế khi ông là người lính thông tin vào những năm 70 của thế kỷ trước. Cũng như ông Xuân, ông Kết luôn nói mình may mắn được sống và trở về quê hương. Ông là một trong những hộ đầu tiên trồng thanh long ruột đỏ ở xã Chân Sơn. Đến nay, mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã được nhân rộng và trở thành giống cây mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Chân Sơn.
Chiến tranh đã qua đi, những người lính Cụ Hồ vẫn đang tiếp tục chiến đấu trên một chiến trường mới, đó là cuộc chiến làm kinh tế để đẩy lùi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Còn với mảnh đất xứ Tuyên, truyền thống quê hương cách mạng luôn là ngọn lửa tiếp thêm động lực để Tuyên Quang viết tiếp những trang lịch sử mới. Vùng đất anh hùng đã, đang huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế nhanh, toàn diện, bền vững, bước đầu tạo nên bước đột phá về tốc độ, chất lượng tăng trưởng…
Năm 2023 đã khép lại với hàng loạt tin vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. Dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức song bằng quyết tâm cao độ, tỉnh đã đạt và vượt 18/20 chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,46% so với năm 2022 (xếp thứ 2/14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ; đứng thứ nhất trong 11 tỉnh miền núi phía Bắc và 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước)...
Đặc biệt, đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Nội kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được khánh thành. Tỉnh cũng khởi công xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; hoàn thành và khởi công nhiều công trình lớn như: đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện lỵ Yên Sơn; đường trục phát triển từ thành phố Tuyên Quang đi suối khoáng Mỹ Lâm… Cùng với tuyến giao thông huyết mạch, quan trọng được nối liền thì ở các địa phương vùng sâu, vùng xa những cây cầu, những tuyến đường mới cũng được xây dựng khang trang.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Chẩu Văn Lâm, những kết quả đó là kết tinh của tinh thần dám nghĩ, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách và quyết liệt hành động vì lợi ích chung; sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh. “Đặc biệt, tinh thần chiến thắng 30.4 và truyền thống quê hương cách mạng tiếp tục là ngọn lửa cổ vũ để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc toàn tỉnh Tuyên Quang quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; sớm hiện thực hóa khát vọng đưa Tuyên Quang trở thành “tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc”.