Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh/thành phố. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội nghị.
Nội dung mới, khó, điều kiện triển khai khác nhau
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 thực hiện triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở. Báo cáo của các tỉnh, thành phố cho thấy, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy học rất tốt.
Đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết 88 cũng đánh giá, quá trình tổ chức dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có dạy học môn tích hợp, cơ bản đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra.
Tuy nhiên, đổi mới giáo dục nói chung, cũng như tổ chức dạy học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp diễn ra trên phạm vi toàn quốc, số lượng trường học rất lớn. Đây lại là nội dung mới, khó, điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, công tác tổ chức dạy học… nên không tránh khỏi có vướng mắc, khó khăn, lúng túng.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn để từng bước thực hiện tốt hoạt động dạy, học các môn học này. So với năm học trước, năm học 2023-2024, vướng mắc, khó khăn tại các địa phương đã giảm đi rất nhiều, nhưng vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Do đó, hội nghị này được tổ chức nhằm tiếp tục xác định rõ thuận lợi, khó khăn; cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất trong tổ chức thực hiện.
Tổng hợp báo cáo về thực trạng trong quá trình thực hiện, triển khai môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp tại các địa phương, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho hay: Phần lớn các địa phương gặp khó khăn do thiếu giáo viên và giáo viên chưa tự tin trong giảng dạy, khó khăn trong tổ chức thực hiện, thiếu cơ sở vật chất và thiết bị thí nghiệm, khó khăn về kinh phí triển khai…
Tại hội nghị, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành đã tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan đến dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, bao gồm: các văn bản hướng dẫn đã được Bộ GD-ĐT ban hành và giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cụ thể trong triển khai đối với từng môn học.
Kinh nghiệm triển khai dạy tích hợp ở một số địa phương
Từ góc độ triển khai thực tế, lãnh đạo một số Sở GD-ĐT đã có những trao đổi, thảo luận, nêu khó khăn, vướng mắc, cũng như giải pháp trong quá trình triển khai môn học tích hợp và hoat động giáo dục tại các địa phương.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Vũ Đức Thọ thông tin: Thời gian qua, Sở GD-ĐT Nam Định đã ban hành các văn bản, tập huấn, hội thảo, bồi dưỡng liên quan đến việc triển khai các môn học mới, trong đó có môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên tại địa phương.
Đến nay, về cơ bản, sau khi được hướng dẫn theo công văn của Bộ GD-ĐT, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai tại các cơ sở giáo dục đã được tháo gỡ. Để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tỉnh đã cử 182 giáo viên biệt phái nhằm đảm bảo phù hợp với yêu cầu đổi mới chương trình, đặc biệt là tổng số giờ triển khai môn học trong một năm được bảo đảm.
Chủ động khắc phục những khó khăn đối với các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Đỗ Văn Lợi chia sẻ: Sở GD-ĐT đã xây dựng đề án bồi dưỡng giáo viên trình UBND tỉnh. Trong đó, Sở phối hợp với các trường đại học bồi dưỡng cho các giáo viên để một giáo viên có thể đáp ứng được dạy nhiều nội dung trong các môn học.
Bên cạnh đó, để giáo viên có thể thực hành, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã tổ chức các hội nghị chuyên đề cấp thành phố nhằm cung cấp, thực hiện phương pháp dạy học mẫu. Sau mỗi hội nghị, tiếp tục triển khai rút kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp thực tế nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời tháo gỡ.
Nhân rộng mô hình làm tốt
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh vai trò của đội ngũ và ghi nhận các thầy cô giáo đã vượt qua khó khăn, vất vả, nỗ lực rất nhiều để tháo gỡ, hướng đến lợi ích cuối cùng là vì học sinh
Để công tác dạy học các môn và hoạt động giáo dục tại các nhà trường được triển khai tốt hơn, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục lắng nghe ý kiến từ cơ sở để tham mưu, chỉ đạo, thực hiện tốt hơn nữa Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, nắm bắt thông tin triển khai tại các địa phương. Nơi nào khó khăn thì phải tháo gỡ, nơi nào làm tốt thì phải nhân rộng, nơi nào chểnh mảng cần có văn bản xử lý kịp thời để mang lại hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Tăng cường, rõ nét hơn nữa về chức năng, công tác quản lý hành chính của cơ quan Bộ. Đề nghị đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu các chuyên đề để tổ chức tập huấn.
Thứ trưởng nhận định: Đào tạo, bồi dưỡng là quá trình liên tục, gắn với mục tiêu trước mắt và lâu dài, mang tầm chiến lược với phương châm tập trung cao độ nhất cho đội ngũ giáo viên. Cùng với đó là hệ thống hóa lại các văn bản để có tính thống nhất trong quá trình thực hiện.
Đối với các địa phương, Thứ trưởng lưu ý cần tiếp tục nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục trong toàn ngành và xã hội, đặc biệt là phụ huynh và học sinh.
Thứ trưởng nhấn mạnh vai trò hết sức quan trọng của cán bộ quản lý. Đối với các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, nếu cán bộ quản lý tìm hiểu sâu sát văn bản, yêu cầu của chương trình thì những khó khăn vướng mắc sẽ giảm đi rất nhiều. Cán bộ quản lý cũng cần chỉ đạo trên tinh thần quyết liệt, rõ thực trạng, giải pháp để tháo gỡ kịp thời, tránh tình trạng chậm trễ.
Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản chỉ đạo triển khai từ Bộ GD-ĐT. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo nhưng đảm bảo khoa học, hợp lý, bám sát chương trình, yêu cầu của Bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Ngoài ra, địa phương cần tập trung đảm bảo nguồn lực, rà soát chế độ, chính sách, đãi ngộ cho giáo viên. Đặc biệt cần có những hình thức khen thưởng đối với các giáo viên có thành tích trong đổi mới giáo dục. Đó là sự ghi nhận, tạo ra sức mạnh, nguồn lực để vượt khó, thực hiện chương trình.