Đổi mới, sáng tạo để phát triển mạnh mẽ, toàn diện
Bước sang năm 2023, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của tỉnh Nghệ An có những chuyển biến tích cực. Kết quả này đã được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An báo cáo tại kỳ họp: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) ước tăng 5,79%, cao hơn bình quân cả nước (3,72%). Trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%; công nghiệp, xây dựng tăng 4,31%; dịch vụ tăng 7,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,24%. Thu hút đầu tư tiếp tục đạt kết quả tích cực... Đặc biệt, Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD. Những kết quả tích cực này củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, là động lực để Nghệ An tiếp tục kiên trì với kịch bản tăng trưởng và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2023 ở mức cao nhất…
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII có khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung quan trọng, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần đổi mới, trách nhiệm, phát huy trí tuệ, nghiên cứu kỹ các nội dung, tích cực thảo luận tại Tổ và Hội trường, tham gia chất vấn, thể hiện chính kiến rõ ràng, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để HĐND quyết định đúng pháp luật, phù hợp tình hình thực tiễn… Đồng thời, đề nghị lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương được HĐND mời dự kỳ họp đóng góp tích cực vào các nội dung của kỳ họp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI THANH QUÝ
Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, kinh tế của cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực gặp khó khăn; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực bị suy giảm mạnh; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án trọng điểm còn chậm so với yêu cầu; công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu...
Những tháng còn lại của năm 2023, dự báo có nhiều thuận lợi, thời cơ đan xen khó khăn, thách thức, do đó để bảo đảm các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực phấn đấu, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Đồng thời, nâng cao hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để đưa Nghệ An phát triển mạnh mẽ, toàn diện, sớm trở thành trung tâm kết nối của khu vực Bắc Trung Bộ.
Để làm được điều trên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý yêu cầu: các đại biểu đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện; đề xuất bổ sung, điều chỉnh các giải pháp cụ thể, khả thi để hoàn thành cao nhất mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi cho cả nhiệm kỳ… “Đối với các nghị quyết trình kỳ họp, cần tập trung nghiên cứu, thảo luận, phân tích, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, các nội dung cụ thể bảo đảm nghị quyết HĐND tỉnh thống nhất, đồng thuận cao khi quyết nghị, tạo thuận lợi, hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện”, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính
Báo cáo tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cho biết: công tác phòng, chống tham nhũng đã được UBND tỉnh và các cấp, ngành quan tâm thực hiện. 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan điều tra đã tích cực xác minh và khởi tố nhiều vụ việc tham nhũng: số vụ án bị can tham nhũng được phát hiện trong kỳ (20 vụ/91 bị can) tăng mạnh so với số vụ án, bị can tham nhũng phát hiện cùng kỳ năm trước (tăng 10 vụ, 70 bị can, tăng 100% về số vụ, tăng 333% về số bị can so với cùng kỳ năm 2022)… Dự báo thời gian tới, tình trạng tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức lạm dụng chức vụ, quyền hạn vụ lợi cho bản thân, cho lợi ích nhóm và đặc biệt là vấn đề tham nhũng vặt đang diễn biến len lỏi tại các cơ quan, đơn vị làm cho Nhân dân bất bình…

Thẩm tra lĩnh vực này, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh cần chỉ rõ cơ quan, địa phương nào chưa quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; tổng hợp, nêu cụ thể các thủ tục hành chính “còn rườm rà” để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi cho phù hợp… “Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trong hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đây là một trong những nguyên nhân làm hạn chế kết quả phòng, chống tham nhũng đã nêu trong Báo cáo của UBND tỉnh”, Trưởng Ban Pháp chế Phạm Thành Chung nhấn mạnh.
Thảo luận về nội dung này, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đề nghị, thời gian tới UBND tỉnh cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng; phổ biến pháp luật gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ… Bên cạnh đó, cần tăng cường phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng…