Tăng trưởng trên cả ba trụ cột của nền kinh tế
Vượt qua những khó khăn thách thức, với những chủ trương, quyết sách khoa học, bài bản, bức tranh kinh tế - xã hội Tuyên Quang đang dần khép lại năm 2023 với những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP tăng 7,46% so với năm 2022 (xếp thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc); GRDP bình quân đạt trên 56 triệu đồng/người/năm (kế hoạch 55,7 triệu đồng/người/năm). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước đạt 3.287,42 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán...
Trên cả ba trụ cột của nền kinh tế là công nghiệp - xây dựng, nông - lâm - nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng. Toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP; trong đó, có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 1 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá). Diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hiện có 48.318ha; duy trì độ che phủ của rừng trên 65%. Toàn tỉnh có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt trên 15 tiêu chí/xã ; luỹ kế tổng số 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án xây dựng huyện Sơn Dương đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2023 - 2025.
Giá trị sản xuất công nghiệp và sản lượng một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ. Tỉnh đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; duy trì công suất hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghiệp quy mô lớn, như: Nhà máy bột giấy và giấy An Hòa, Nhà máy sản xuất gang thép, Nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu Woodsland; đã trình Bộ Công thương bổ sung 4 dự án thủy điện, 1 dự án điện sinh khối vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
2023 cũng là năm thành công của Tuyên quang về lĩnh vực du lịch: tổ chức thành công Chương trình Khai mạc năm du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2023 và trao “Giải thưởng phong cảnh thành phố châu Á” năm 2022 cho “Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng” và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II - năm 2023; Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” và Lễ hội Thành Tuyên năm 2023 quy mô cấp quốc gia... thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham dự.
Bên cạnh các trụ cột kinh tế, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập các bậc học. Tiếp tục thực hiện dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” tại thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn và huyện Sơn Dương...
Kỳ vọng những giải pháp hữu hiệu
Đánh giá tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh những tháng đầu năm 2023, trong Báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh đều ghi nhận những kết quả nổi bật và khẳng định đây sẽ là động lực quan trọng để Tuyên Quang tạo sức bật trong năm 2024 và chặng đường cuối nhiệm kỳ. Song, các Ban cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần sớm nhận diện, tháo gỡ kịp thời như: thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ còn thấp; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; việc nắm tình hình cơ sở, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp có việc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao...
2024 là năm tăng tốc bứt phá để hoàn thành thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025... UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 9%; GRDP bình quân đạt trên 60 triệu đồng/người/năm; duy trì và giữ vững chất lượng các tiêu chí của 74 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 12 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới...
Để hiện thực hóa mục tiêu trên không hề dễ khi dự báo trong năm 2024 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường… cần có chiến lược bài bản, cụ thể và toàn diện, từng bước tháo gỡ những "nút thắt", "điểm nghẽn". Do đó, trách nhiệm “đặt lên vai” các đại biểu HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023 khai mạc sáng nay, 5.12 rất lớn. Cần đánh giá công tâm, khách quan, chính xác nhằm góp phần xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, đưa ra được một kịch bản kinh tế hiệu quả, khả thi để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024.
Những giải pháp hữu hiệu được đưa ra tại kỳ họp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ; tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao. Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế, phát triển nhanh và bền vững.