Có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc
Theo Bộ GD-ĐT, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục mầm non (GDMN), thời gian qua mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phát triển rộng, khắp đến tất cả các xã phường, thôn bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường.
Hàng năm, có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại trên 15.500 trường mầm non và trên 16.000 cơ sở độc lập, tỷ lệ trường mầm non ngoài công lập chiếm 21,1%, tỷ lệ trẻ em ngoài công lập chiếm 23,2%; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình GDMN được quy chuẩn và quan tâm đầu tư. Tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 87,3%.
Giáo dục mầm non đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc giáo dục trẻ; chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, đặc biệt là trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã được chuẩn bị tốt các điều kiện sẵn sàng vào học lớp một; trẻ em vùng miền núi, dân tộc thiểu số được chuẩn bị về tiếng Việt và được hỗ trợ ăn trưa nên tỷ lệ ra lớp cao, bảo đảm chuyên cần; việc thực hiện công bằng trong giáo dục từng bước được bảo đảm.
Tuy nhiên, giáo dục mầm non vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn. Mạng lưới trường lớp hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu thu nhận trẻ đến lớp. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ mới đạt 32,1%; trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi mới đạt 93,1% (hiện có khoảng gần 300.000 trẻ em mẫu giáo 3-4 tuổi chưa được đến trường, chủ yếu ở vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long).
Cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng để thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Hiện nay tính riêng bậc học mầm non, toàn quốccòn khoảng trên 5000 phòng học nhờ, học tạm không bảođảm an toàn; số phòng học kiên cố mới đạt khoảng 82%; thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, miền núi. Nguồn lực đầu tư cho Giáo dục mầm non còn hạn chế. Tình trạng thiếu giáo viên mầm mon kéo dài trong nhiều năm chưa được giải quyết (hiện nay toàn quốc còn thiếu khoảng 50.000 giáo viên mầm non.
Cùng với đó, mục tiêu “công bằng” trong phát triển Giáo dục mầm non chưa bảo đảm, khoảng cách trong bảo đảm các điều kiện giáo dục giữa các vùng miền còn khá lớn. Vẫn còn 40,9% trẻ em vùng khó khăn chưa được tiếp cận với Giáo dục mầm non. Chính sách đầu tư của Nhà nước cho Giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập vẫn còn có điểm bất bình đẳng. giáo viên mầm non làm việc trong điều kiện áp lực lớn nhất trong đội ngũ nhà giáo song lại có thu nhập ở mức thấp nhất.
Có thể thấy, thực trạng phát triển giáo dục mầm non hiện nay chưa tương xứng với vị trí, vai trò của bậc học giáo dục mầm non, bậc học đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người, có đối tượng giáo dục là trẻ thơ cần được giáo dục nhất và yêu cầu về chất lượng giáo dục cao nhất.
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, với tư tưởng phải dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em - tương lai của đất nước, GDMN cần có được những giải pháp đột phá để thay đổi hiện trạng, cần thay đổi quan điểm đầu tư để có chương trình giáo dục tốt, bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên mầm non, về cơ sở vật chất, trường lớp để mọi trẻ em mầm non có cơ hội tiếp cận giáo dục mầm mon có chất lượng.
Cần hành lang pháp lý triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ em mẫu giáo
Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mẫu giáo trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đang thực hiện nhiệm vụ được giao là xây dựng trình Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3 tuổi, 4 tuổi tại một số tỉnh thành phố”.
Ngày 24.11.2023 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW, đưa chỉ tiêu đến năm 2030 "Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi".
Sau khi cân nhắc mục tiêu tại Nghị quyết số 42, Bộ GD-ĐT nhận thấy:
Trường hợp trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết thí điểm thì các tỉnh ngoài 14/63 tỉnh thành phố tham gia thí điểm không có căn cứ pháp lý để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo theo yêu cầu của Nghị quyết số 42.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất:Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt và ban hành Nghị quyết “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi” để tạo hành lang pháp lý cho các Bộ, ngành, các địa phương có cơ sở pháp lý triển khai đại trà việc phổ cập cho trẻ em mẫu giáo.
Bộ GD-ĐT dự kiến thời gian trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay.