Cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất để gỡ khó cho doanh nghiệp
Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, năm 2023 trong bối cảnh kinh tế trong nước, khu vực quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến khó lường, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ước đến hết năm 2023, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tuy nhiên, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình 9 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2023 còn bộc lộ nhiều hạn chế như: tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước nhưng tăng ở mức thấp, 9 tháng tăng trưởng đạt 4,24%, thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản Chính phủ xây dựng (ước cả năm tăng trưởng 5%); số lượng doanh nghiệp có xu hướng rời thị trường tăng so với cùng kỳ, số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ…
Đề cập 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt là chỉ tiêu tăng năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, ĐBQH Dương Văn Phước (Quảng Nam) nhấn mạnh, đây đều là những chỉ tiêu quan trọng. Đặc biệt, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động 3 năm liên tiếp không đạt trong khi đây là chỉ tiêu phản ánh chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Cho rằng, trong các nguyên nhân tồn tại, hạn chế chưa khắc phục được, bên cạnh yếu tố khách quan có trách nhiệm của Chính phủ, ĐB Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết căn cơ vấn đề này, để tăng sức cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Theo ĐBQH Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), nguyên nhân chính khiến chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động không đạt là bởi chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, cơ cấu lao động thiếu hợp lý, thiếu lao động có tay nghề cao. Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ, tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn chiếm 13,5%; khu vực thành thị là 9,8%; riêng nữ không có việc làm, không tham gia học tập, đào tạo là 13,9%. Việc liên thông nghề nghiệp từ trung cấp lên cao đẳng chỉ chiếm 10%. Trang thiết bị cho giáo dục nghề nghiệp chưa được quan tâm đầu tư...
Từ những phân tích trên, ĐB Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh, muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động cần chú trọng các vấn đề: đào tạo nghề có đáp ứng nhu cầu thị trường hay không; cơ sở, vật chất trang thiết bị cho đào tạo nghề có tốt hay không; đội ngũ giáo viên đào tạo nghề có trình độ hay không...?
Cải cách hành chính chưa đáp ứng thực tế, dẫn đến trì trệ
Một số ĐBQH tán thành nhận định tại Báo cáo thẩm tra về chất lượng cải cách hành chính, xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, dẫn đến trì trệ.
Dẫn thực tiễn tình hình tại tỉnh Quảng Nam, ĐB Dương Văn Phước cho biết, qua tiếp xúc cử tri, đi đến đâu người dân cũng phàn nàn về khó khăn trong thủ tục hành chính, cụ thể là việc cấp sổ đỏ cho người dân. Qua giám sát cho thấy, có quá nhiều vướng mắc, không đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. "Người dân đi làm sổ đỏ có thể không phải là 1 - 2 tháng mà có thể mất 2 - 3 đến 5 năm hoặc cũng có thể không thực hiện được. Nhiều người rất ngao ngán. Thủ tục hành chính cũng quy định rất chặt chẽ là khi trễ hẹn với người dân thì phải xin lỗi, nhưng quy trình xin lỗi này không được thực hiện hoặc thực hiện qua loa, chiếu lệ”, ĐB Dương Văn Phước nói.
Hay việc doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn vốn, lãi suất vẫn ở mức cao. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách cơ cấu lại nợ, giảm các loại phí, hạ lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu trong giai đoạn hiện nay.
Rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý
Liên quan đến nội dung rà soát quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2015/QH15, ĐBQH Sùng A Lềnh (Lào Cai) đánh giá, hiện nay, hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội đã có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên và ngày càng hoàn thiện cả về nội dung, hình thức, kỹ thuật lập pháp, theo hướng thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật trên thực tế.
Tuy nhiên, ĐB Sùng A Lềnh cũng cho rằng, trước yêu cầu và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống pháp luật vẫn đang bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Thiếu tính ổn định, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành một thời gian đã phải xem xét sửa đổi, bổ sung; Tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao, còn mâu thuẫn, chồng chéo; Công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong một số trường hợp, việc giao ban hành văn bản quy định chi tiết được thực hiện còn chưa kiểm soát chặt chẽ cả về nội dung và chủ thể được giao ban hành...
"Những hạn chế, bất cập trên đã gây khó khăn, vướng mắc trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh và các mặt của đời sống nhân dân, làm giảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của nhà nước trên nhiều lĩnh vực". Nhấn mạnh điều này, ĐB Sùng A Lềnh đề nghị, cần thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy ý kiến, sự tham vấn của các chuyên gia, các tổ chức, người dân và doanh nghiệp ngay từ quá trình soạn thảo, rà soát, kịp thời phát hiện các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất hợp lý, không phù hợp với tình hình thực tiễn và đề xuất hướng giải quyết.
"Cần đổi mới cách tổ chức, xử lý, sử dụng thông tin của việc lấy ý kiến góp ý, phản biện ngay từ quá trình soạn thảo chính sách, bảo đảm khách quan, góp phần nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật; thu hút sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân ngay từ khâu xây dựng chính sách", ĐB Sùng A Lềnh đề nghị.