Góp ý về dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Tập đoàn Viettel tán thành với sự cần thiết ban hành Luật và nêu một số kiến nghị cụ thể.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trung tướng Nguyễn Minh Đức phát biểu
Tại các Điều 8, Điều 10 đến Điều 18 dự thảo Luật quy định 11 quyền của chủ thể dữ liệu gồm quyền được biết; quyền đồng ý; quyền truy cập, chỉnh sửa; quyền rút lại sự đồng ý; quyền xóa dữ liệu; quyền hạn chế; quyền cung cấp dữ liệu; quyền phản đối; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và quyền tự bảo vệ. Tuy nhiên, chưa có cơ chế bảo vệ quyền hợp pháp của doanh nghiệp, chưa bảo đảm tính cân bằng trong giao dịch dân sự (quyền và nghĩa vụ song phương).
Do đó, Tập đoàn đề xuất bổ sung cơ chế kiểm soát việc lạm dụng quyền của chủ thể dữ liệu; cho phép thỏa thuận thời hạn thực hiện quyền yêu cầu của chủ thể dữ liệu, thu phí hợp lý, từ chối yêu cầu vô lý; từ chối cung cấp dịch vụ và chấm dứt hợp đồng.
Về xử lý dữ liệu cá nhân không cần xin sự đồng ý, miễn trừ thực hiện quyền của chủ thể dữ liệu (quy định tại Điều 8, Điều 10 đến Điều 19 dự thảo Luật), Tập đoàn đề xuất quy định được phép xử lý dữ liệu cá nhân không cần xin sự đồng ý của chủ thể dữ liệu theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, bổ sung các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần xin sự đồng ý của chủ thể dữ liệu gồm: Tổ chức, cá nhân thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giao kết hợp đồng theo yêu cầu của chủ thể dữ liệu, để thực hiện quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu theo quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận giữa các bên; để doanh nghiệp thực hiện quyền và nghĩa vụ theo yêu cầu của pháp luật chuyên ngành.

Quang cảnh cuộc làm việc
Về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân, dự thảo Luật quy định, áp dụng mức xử phạt hành chính từ 1 - 5% doanh thu năm liền trước của tổ chức, doanh nghiệp.
Tập đoàn cho rằng, mức phạt 1-5% doanh thu không phù hợp với quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy định xử phạt quá hà khắc sẽ trở thành rào cản trong quá trình đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ.
Do đó, Tập đoàn đề xuất xác định khung phạt theo doanh thu hoặc lợi ích có được từ hành vi vi phạm (nếu có), phân tầng theo mức độ vi phạm và phù hợp quy định pháp luật xử phạt vi phạm hành chính.
Tập đoàn cũng đề xuất một số nội dung liên quan đến hạn chế thuê ngoài trong tiếp thị, quảng cáo; xử lý dữ liệu cá nhân trong xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, vũ trụ ảo, điện toán đám mây…
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh vai trò quan trọng của dự án Luật này trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay; nêu rõ, nếu không bảo đảm sự an toàn trong các dữ liệu cá nhân sẽ không thể tạo nên dữ liệu cơ bản, dữ liệu lớn hay thực hiện các dữ liệu mở, cốt lõi cho tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội cũng như trong quản lý nhà nước, doanh nghiệp.


Do đó, Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn Viettel để hoàn thiện Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cung cấp thêm những thông tin hữu ích để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu khi cho ý kiến với dự án Luật này. Qua đó, tạo hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật, hạn chế tối đa việc lộ lọt thông tin; truy nguyên được trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức khi để xảy ra lộ lọt thông tin, đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.