Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh; các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương.

Tại phiên họp, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thẩm tra 3 nội dung, trong đó, có dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).
Theo Tờ trình dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), dự thảo Luật gồm 7 chương, 76 điều. Dự thảo luật quy định mức dư nợ vay của chính quyền địa phương thu gọn từ 3 nhóm địa phương xuống còn 2 nhóm địa phương và nâng mức dư nợ vay so với quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, bổ sung nguyên tắc ưu tiên bố trí chi ngân sách nhà nước cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; quy định về quỹ thực hiện nhiệm vụ này.
Bổ sung thêm đối tượng thực hiện công khai đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; nội dung công khai kết luận của cơ quan Thanh tra và kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra về ngân sách nhà nước; hình thức công khai trên mạng xã hội, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung về căn cứ lập dự toán ngân sách nhà nước để bảo đảm bao quát đầy đủ các nguồn thu và sửa đổi, bổ sung làm rõ yêu cầu lập dự toán chi thường xuyên.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đây là dự án Luật rất quan trọng, cả Chính phủ và Quốc hội đều quan tâm chỉ đạo rất tích cực. Bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi về kinh tế - xã hội, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, sắp tới sẽ tiến hành sửa đổi một số điều của Hiến pháp có liên quan đến tổ chức chính quyền và các cơ quan. Ngân sách là để phục vụ hoạt động của nhà nước, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước thay đổi thì ngân sách cũng thay đổi theo.
Trong lĩnh vực ngân sách nhà nước, quan trọng nhất là thu và chi, quyết định sử dụng các nguồn thu và cơ cấu chi, phân cấp ngân sách, quy trình ngân sách. Nêu quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc sửa đổi luật phải hết sức khẩn trương nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính cần đánh giá tổng kết và đưa ra kết luận cơ bản về các nội dung sửa đổi để các đại biểu Quốc hội có cơ sở khi xem xét cho ý kiến, tạo sự đồng thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần thiết kế nhiệm vụ đặt trong bối cảnh đang thực hiện việc đẩy mạnh tăng trưởng, đặt yêu cầu rất cao trong việc sử dụng nguồn lực quốc gia. Để phục vụ mục tiêu tăng trưởng cao, cần nghiên cứu, tham khảo quy định của các nước để ứng dụng phù hợp vào bối cảnh đặc biệt của nước ta, khi chúng ta vừa cần năng động sáng tạo, vừa phải bảo đảm tính chủ động của các cơ quan thực thi. Bên cạnh đó, cần xác định rõ quan điểm, nguyên tắc trong bố trí vốn đầu tư, tự chủ ngân sách địa phương, phân cấp thẩm quyền ngân sách địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sửa đổi luật lần này cần bảo đảm tạo được nguồn lực để phục vụ cho các mục tiêu tăng trưởng, giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư cho phát triển, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, phát huy vai trò chủ động của ngân sách địa phương, đồng thời phù hợp với việc tổ chức lại chính quyền địa phương theo hai cấp.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngân sách của chúng ta đảm bảo tính thống nhất từ trên xuống, nhưng quy trình lập dự toán, quy trình quyết toán rất phức tạp. Dự toán phải lập từ dưới lên, tổng hợp lại ở Bộ Tài chính. Hiện nay, để đẩy mạnh phân cấp, thì ngân sách cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm dự toán.
Liên quan đến cơ cấu các nguồn thu, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải phân định nguồn thu ngân sách trung ương và ngân sách địa phương một cách phù hợp. Cùng đó, quản lý ngân sách phải bảo đảm quản lý bội chi và nợ công.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng, việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là cần thiết, đủ căn cứ chính trị, cơ sở pháp lý, căn cứ thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, đề nghị cần đánh giá tác động cần cụ thể hơn, đặc biệt, tác động đối với ngân sách trung ương, ngân sách địa phương khi thay đổi phương thức, tỷ lệ phân chia, mức dư nợ vay, việc ban hành các loại phí, lệ phí ngoài danh mục.

Đối với quy định tại dự thảo Luật về bố trí nguồn dự phòng cho các nhiệm vụ cần thiết khác đã bố trí dự toán nhưng chưa đủ, có ý kiến đề nghị cân nhắc vì việc điều chỉnh dự toán, bổ sung dự toán đã được quy định tại luật này và đã có quy trình, trình tự, thẩm quyền để thực hiện bổ sung dự toán, điều chỉnh dự toán cho các nhiệm vụ bố trí dự toán chưa đủ.
Các ý kiến cũng đề nghị xem xét, rà soát kỹ lưỡng quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND các cấp; phân cấp nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước...
Tiếp đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.