Hội thảo có 2 nội dung chính: Làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng của nhà trường và sinh viên nhằm đáp ứng được với nhu cầu của xã hội; Văn hoá ứng xử của sinh viên tại Đại học Thuỷ Lợi của sinh viên với giảng viên, sinh viên với sinh viên và sinh viên với xã hội.
GS. TS Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thuỷ Lợi cho biết: "Trong nhiều năm qua, Trường Đại học Thủy lợi luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, công tác sinh viên, thể hiện lời cam kết của Trường đối với xã hội. Nhà trường quan tâm tổ chức tạo nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm nâng cáo kỹ năng mềm cho sinh viên.
Thông qua sân chơi này, các em được đưa ra các ý tưởng, đề tài nghiên cứu của mình để hội đồng ban giám khảo cùng đánh giá, góp ý để dần hoàn thiện và bám sát thực tiễn".
GS.TS Nguyễn Trung Việt cũng mong rằng, với hội thảo là cơ hội để sinh viên, các thầy cô giáo được lắng nghe những chia sẻ từ các chuyên gia, diễn giả đến từ các trường đại học nhằm hiểu rõ hơn làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo, giảm tỷ lệ cảnh báo học vụ trong sinh viên; tăng cường văn hóa ứng xử học đường.
Trong báo cáo "Nâng cao văn hóa học đường tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay (thực tế tại Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội", TS. Trần Bách Hiếu – Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn cho biết: "Nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho người học. Môi trường học đường là cái nôi để sinh viên học tập và trưởng thành ở cả hai phương diện: Tri thức và đạo đức, lối sống.
Do vậy, trước hết, việc quan trọng là cần nâng cao văn hóa học đường cho sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học". Bên cạnh đó, TS. Trần Bách Hiếu cũng đưa ra những hạn chế còn tồn đọng tại các trường và những giải pháp nhằm nâng cao văn hoá học đường".
TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đưa ra quan điểm của bản thân về giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên: Giới trẻ hiện nay Thông minh, năng động, ham học hỏi, nắm bắt cái mới, có ước mơ và đam mê, nhanh chóng thay đổi để thích ứng, làm chủ được công nghệ. Nhưng giới trẻ đã và đang mất quá nhiều thời gian trên thế giới mạng, Internet mà không chú trọng dành thời gian để phát triển bản thân.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên cho rằng, giáo dục đại học là cái nôi đào tạo nghề nghiệp - dần chuyển trọng tâm không chỉ tập trung vào đào tạo tay nghề của nguồn nhân lực mà còn tập trung vào yếu tố đạo đức, lối sống.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới về giáo dục đạo đức ở bậc Đại học khẳng định tầm quan trọng của việc "dạy người"- đạo đức được coi là nền tảng cơ sở để từ đó các năng lực nghề nghiệp được hình thành.
Các nghiên cứu chỉ ra khía cạnh đạo đức, khả năng ra quyết định đạo đức là điều mà các nhà tuyển dụng mong đợi ở các ứng viên và là yếu tố quan trọng quyết định mức độ thành công của họ trong nghề nghiệp sau này.