- Thưa PCN, sau 19 năm thực hiện Luật Công đoàn, tổ chức công đoàn đã thực sự làm tốt chức năng là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động?
PCN ĐẶNG NHƯ LỢI: Để bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, trong những năm qua, hoạt động của tổ chức công đoàn đã hướng về cơ sở, lấy công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) làm đối tượng vận động, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ. Công đoàn đã tích cực phối hợp với Chính phủ, các Bộ, ngành trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp luật, các chế độ, chính sách có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, thành công của tổ chức công đoàn vẫn chủ yếu trong khu vực Nhà nước- một khu vực truyền thống. Còn tổ chức công đoàn khu vực ngoài Nhà nước bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém cần được phân tích, đánh giá để có định hướng xử lý, kể cả từ quy định pháp luật.
- PCN có cho rằng, Luật Công đoàn đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với sự thay đổi, phát triển của nền kinh tế thị trường và việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm?
PCN ĐẶNG NHƯ LỢI: Mặc dù, hoạt động của công đoàn đã có nhiều cố gắng, nhưng đúng là thực tế thời gian qua việc xảy ra tranh chấp lao động, đình công đang tập trung ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân. Điều này thể hiện bên cạnh việc tuân thủ và thực hiện pháp luật của cả hai phía người lao động và người sử dụng lao động đều chưa nghiêm, là sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật, chưa chặt chẽ và chưa phù hợp với cơ chế thị trường . Cùng với đó là bộ máy kiểm soát việc thực thi pháp luật còn quá mỏng về số lượng, yếu về chất lượng và phương thức kiểm soát nên làm cho tranh chấp lao động gia tăng và xử lý các tranh chấp lao động bị vướng mắc.
Bên cạnh đó là việc thực hiện các thỏa ước lao động tập thể chưa được chú trọng: hiện chỉ có khoảng 25 - 30% doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và 13% số hợp tác xã ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nhìn chung các thoả ước lao động tập thể do chủ doanh nghiệp tự quy định, chủ yếu sao chép quy định của luật, chưa tiến hành thương lượng với tổ chức công đoàn cơ sở.
- PCN vừa nói tới thỏa ước lao động tập thể chưa được giới chủ tiến hành thương lượng với tổ chức công đoàn cơ sở. Vậy nguyên nhân là do đâu?
PCN ĐẶNG NHƯ LỢI: Theo tôi, nguyên nhân là do một bộ phận người sử dụng lao động không muốn và thậm chí gây khó khăn, cản trở khi thành lập công đoàn công cơ sở. Mặt khác, người lao động chưa thấy được lợi ích của tổ chức công đoàn, chưa thiết tha với việc thành lập công đoàn; chưa có cơ chế pháp lý và các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ việc vận động thành lập tổ chức công đoàn cơ sở và can thiệp của tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở.
Bên cạnh đó, còn tồn tại một thực tế, chủ tịch công đoàn cơ sở nằm trong bộ máy quản lý điều hành của doanh nghiệp và do người sử dụng lao động cử ra để đại hội công đoàn cơ sở bầu làm chủ tịch công đoàn. Vì vậy, chủ tịch công đoàn trong thực tế chưa phải là người đại diện thực sự của người lao động.
- Thế còn trách nhiệm và vai trò của phía đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ở đây đã được thể hiện như thế nào, thưa PCN ?
PCN ĐẶNG NHƯ LỢI: Tôi cho rằng, VCCI đã và đang tham gia vào cơ chế ba bên và cùng với các cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào các hoạt động xây dựng chính sách đối với người sử dụng lao động và cộng đồng doanh nghiệp, làm cầu nối phản ánh ý kiến của giới sử dụng lao động đến Chính phủ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, phạm vi hoạt động của VCCI còn hạn chế, mới chỉ có 8 chi nhánh và văn phòng đại diện ở một số tỉnh, thành phố; 6 hội đồng người sử dụng lao động cấp tỉnh, 19 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài là hội viên... Do đó, vai trò đại diện cho người sử dụng lao động để đối thoại, thương lượng với đại diện người lao động hoặc công đoàn để tham vấn, ký kết thỏa ước lao động tập thể, hòa giải, giải quyết tranh chấp lao động và đình công còn hạn chế.
- Vậy theo PCN, để tổ chức công đoàn phát huy tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động thì cần có giải pháp gì ?
PCN ĐẶNG NHƯ LỢI: Theo tôi, chúng ta cần sửa đổi các quy định trong Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn theo hướng tăng cường vai trò thật sự của công đoàn cơ sở và công đoàn trực tiếp trên cơ sở. Hoạt động của công đoàn vừa phải đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động nhưng cũng phải quan tâm lợi ích hài hòa người sử dụng lao động. Bên cạnh việc chú trọng thành lập tổ chức công đoàn thì cán bộ công đoàn cần nâng cao trình độ, năng lực và trong hoạt động phải có tính độc lập tương đối với người sử dụng lao động. Muốn vậy, trong thời gian tới phải làm sao tập trung nguồn lực và tạo cơ sở pháp lý để tổ chức và tăng cường năng lực hoạt động của công đoàn khu vực ngoài nhà nước.
- Xin cám ơn PCN !