Dự và chủ trì Hội thảo, có: Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long; Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Lê Văn Lợi; Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nguyễn Minh Tuấn; Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Phạm Tiến Hưng.
Dự hội thảo còn có các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia; lãnh đạo các vụ, viện, khoa của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các sở, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các trường chính trị tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và học viên Trường Chính trị tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Yên Bái Tạ Văn Long nhấn mạnh: Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị đã nêu rõ: "Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc thường xuyên, tự giác của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Do vậy, Hội thảo khoa học "Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay” là một hoạt động khoa học có ý nghĩa chính trị thiết thực. Đây là cơ hội rất tốt để các thành viên Ban Chỉ đạo 35 tỉnh Yên Bái, lãnh đạo các sở, ngành liên quan trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Lê Văn Lợi đề nghị: các nhà khoa học tập trung phân tích nhận diện rõ những quan điểm sai trái, thù địch chống phá chủ trương, đường lối của Đảng và quá trình thực thi chính sách xã hội ở Việt Nam thời gian qua; trao đổi, thảo luận về những kết quả của Việt Nam trong xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách xã hội để cung cấp luận cứ khoa học nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước ta; chia sẻ những kết quả, kinh nghiệm của các địa phương trong xây dựng hoàn thiện một số chính sách cụ thể nhằm góp phần khẳng định, lan tỏa những kết quả của các tỉnh trong thực thi chính sách xã hội thời gian qua.
Đồng thời, trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch về chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian tới; cho ý kiến thêm về một số giải pháp cụ thể gắn với đặc thù của các ngành, địa phương để góp phần xây dựng chính sách xã hội đảm bảo tính hệ thống, toàn diện, bao trùm, bền vững.
Để dành nhiều thời gian cho các đại biểu thảo luận về những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra, Ban tổ chức đã tổ chức hội thảo gồm 2 phiên. Phiên 1 gồm 2 tham luận trung tâm và 4 ý kiến phát biểu trao đổi. Phiên 2 thảo luận bàn tròn giữa các chuyên gia, nhà khoa học, tập trung phân tích, luận giải, làm sáng tỏ chủ đề hội thảo và các vấn đề gợi mở trong báo cáo đề dẫn.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến nhằm nhận diện rõ những quan điểm sai trái, thù địch, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng và quá trình thực thi chính sách xã hội ở Việt Nam thời gian qua, đồng thời đưa ra những luận cứ đấu tranh, phản bác trực diện; làm rõ cơ sở lý luận để bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chính sách xã hội ở Việt Nam hiện nay; kiến nghị giải pháp hiệu quả để đấu tranh phản bác các quan điểm sái trái, thù địch xuyên tạc chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước ta thời gian tới.
Phát biểu tổng kết, đánh giá cao những tham luận, ý kiến tại Hội thảo, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Yên Bái Nguyễn Minh Tuấn đề nghị, cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tự giác, tích hợp việc thực hiện với nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.
Nghiên cứu, vận dụng nội dung đề cập tại hội thảo, nhất là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu của các đơn vị, địa phương phục vụ thực hiện tốt Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị trong thời gian tới. Sau Hội thảo này, các nhà khoa học tiếp tục hoàn thiện tham luận và tổ chức lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng, phục vụ tuyên truyền trước trong và sau khi Hội nghị Trung ương Khóa XIII thảo luận về chính sách xã hội. Trường Chính trị nghiên cứu, chắt lọc nội dung Hội thảo phục vụ trực tiếp cho quá trình giảng dạy, bồi dưỡng và tuyên truyền; gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị nghiên cứu lý luận với các đơn vị thực tiễn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cũng đề nghị Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương nâng cao chất lượng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, kiến nghị chính sách, đào tạo bồi dưỡng cán bộ, xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia tại địa phương để đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.