Hơn 8.000 tỷ cho hàng bình ổn phục vụ Tết
Đoàn công tác của Bộ Công thương vừa làm việc với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết nguyên đán.
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết, Sở và các đơn vị liên quan đã phối hợp các tỉnh, thành tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động sản xuất, cung ứng, nắm chắc tình hình sản xuất tại vùng nguyên liệu; xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa Tết…
Về công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ.
Về hoạt động phân phối hàng hóa, Sở Công thương phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp, đôn đốc các chợ đầu mối, chợ dân sinh, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung theo dõi, nắm bắt thị trường, dự ước nhu cầu, chuẩn bị nguồn cung, bám sát tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn, thực hiện nghiêm quy định về niêm yết giá, hàng hóa kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Để bảo đảm cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết.
Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như Family Mart, GS25... hoạt động xuyên suốt Tết.
Về giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 5% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết.
Tăng cường kiểm tra, khuyến khích mua hàng rõ nguồn gốc
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá cao chương trình chuẩn bị hàng Tết TP. Hồ Chí Minh; Sở Công thương cùng các doanh nghiệp đã có một sự chủ động rất lớn, không chỉ dịp Tết mới cân đối cung cầu hàng hóa mà trong năm căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng và thị trường trong nước, xuất khẩu… Các doanh nghiệp đã thực hiện các sứ mệnh kinh doanh, đề ra kế hoạch sản xuất kinh doanh rất là hợp lý.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng lưu ý, hiện nay nổi lên vấn đề vận chuyển hàng hóa dịp Tết từ các nơi về thành phố và vận chuyển đến tận nơi khách hàng gặp khó khăn. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Sở Công thương tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo sớm để Bộ Công thương để báo cáo Chính phủ nếu cần thiết.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đề nghị Sở Công thương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước uy tín. Đồng thời, tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường. Trong đó, chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết nguyên đán Ất Tỵ.