Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và đối thoại với doanh nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch, nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Bên cạnh đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với DNNVV; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật chuyên ngành cho DNNVV hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch; đối thoại với DNNVV, trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của DNNVV, tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của DNNVV, của cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý DNNVV để hoàn thiện hệ thống pháp luật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6.1.2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Trong năm 2023, ưu tiên bồi dưỡng kiến thức pháp luật; phổ biến những chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, giúp doanh nghiệp tiếp cận được những chính sách, quy định nhằm hỗ trợ, khôi phục phát triển du lịch
Sau tập huấn, bồi dưỡng, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong ngành có thêm kiến thức, kỹ năng thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đồng thời có sự chia sẻ về kỹ năng thực hiện hỗ trợ pháp lý đảm bảo hệ thống pháp luật về văn hóa đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; DNNVV.
Đặc biệt là lãnh đạo DNNVV tiếp cận thông tin pháp luật chính xác, kịp thời, có ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của DNNVV nói chung, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ nói riêng. Được phổ biến đầy đủ các điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động chuyên môn được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, tập trung, chú trọng vào các chính sách, quy định trong lĩnh vực du lịch; quyền và nghĩa vụ của các DNNVV; trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Hội nghị đã đảm bảo đối thoại, trao đổi trực tiếp, công khai, dân chủ giữa giữa cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp Sở, với các DNNVV, tổ chức, cá nhân; giải đáp pháp luật, vướng mắc pháp lý cho DNNVV trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch một cách hiệu quả.
Trong năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật, thực hiện việc nắm thông tin trong việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch qua nhiều kênh (phản ánh của các Sở, các tổ chức, cá nhân, báo chí, mạng xã hội, kết quả kiểm tra công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân tại Chuyên mục “Tiếp nhận và trả lời ý kiến” trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ...), từ đó giúp giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện pháp luật.
Cũng trong năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL). Tăng cường PBGDPL theo các nhóm đối tượng, trước hết với nhóm đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, pháp luật, ưu tiên công chức, viên chức, người lao động, văn nghệ sỹ, vận động viên, huấn luyện viên thuộc phạm vi quản lý.
Đặc biệt, năm 2023, Bộ đã triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2022-2026”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công Hội nghị tập huấn nghiệp vụ pháp chế và quán triệt văn bản quy phạm pháp luật ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch năm 2023, khu vực phía Bắc (tổ chức ở tỉnh Lạng Sơn, tháng 6.2023) và khu vực phía Nam (tổ chức ở Phú Yên, tháng 7.2023), với sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện lãnh đạo các Sở, phòng văn hóa - thông tin cấp huyện thuộc các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lấy ý kiến đối tượng điều chỉnh của văn bản (trong đó có các hiệp hội, doanh nghiệp) trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đối tượng trong quá trình xây dựng văn bản, Bộ đã kịp thời có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh.
Công bố và đăng tải kịp thời các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ lên Cổng thông tin điện tử của Bộ và website của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; ban hành văn bản khuyến cáo, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.
Thực hiện biên soạn, đăng tải tin, bài lên mục Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ; thực hiện truyền thông về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của Bộ trên các báo ngành, báo về pháp luật, báo về doanh nghiệp.
Qua hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã nâng cao nhận thức, ý thức của lãnh đạo DNNVV, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đối với tầm quan trọng của công tác hỗ trợ pháp lý trong DNNVV. Bên cạnh đó, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp luật, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh của DNNVV; Khắc phục cơ bản tình trạng DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật; đảm bảo DNNVV phát triển bền vững, lâu dài, kinh doanh đúng pháp luật