
Điểm nổi bật khi mà bất kỳ ai cũng có thể bắt gặp khi đặt chân đến Tana Toraja là những ngôi nhà có mái hình cong cong có tên gọi Tongkonan nằm rải rác bên những thửa ruộng bậc thang. Chúng được dựng trên những cột gỗ chắc chắn, toàn bộ cấu trúc nhà đều được làm bằng những vật liệu tự nhiên sẵn có của núi rừng gồm gỗ, tre và nứa ghép lại với nhau. Mái nhà cong vút kéo dài sang hai bên thành hình con thuyền làm bằng lá cây nipah hoặc lá dừa. Nhà Tongkonan khép kín, ít cửa sổ mang lại cảm giác kỳ bí khi bước vào trong. Mặt ngoài của ngôi nhà được chạm trổ những nét hoa văn họa tiết với bốn gam màu cơ bản là đen, trắng, đỏ và vàng. Nhà Tongkonan là tài sản thiêng liêng của người Taraja, đây không chỉ là chỗ ngủ nghỉ của họ, mà còn là nơi hành lễ, tránh thời thiết khắc nghiệt và thú dữ rình rập. Tuổi thọ của mỗi ngôi nhà như thế có thể đến vài chục năm. Và từng ngôi nhà cũng được phân chia theo giai tầng cụ thể như vàng, đồng, sắt và đồng thau.

Có nhiều sự tích nói về sự ra đời của những ngôi “nhà thuyền” độc đáo có một không hai này. Nhiều người tin rằng tổ tiên của người Toraja đến từ miền bắc bằng những con thuyền gỗ. Trên đường đi, gặp bão lớn, thuyền của họ đã bị hư hỏng nặng nên họ buộc phải dừng chân lại nơi đây và trú ẩn trong chính thân con thuyền. Một số khác lại cho rằng nhà Tongkonan được Đấng kiến tạo dựng lên trên trời. Tổ tiên của người Toraja giáng thế đã bắt chước dựng lên ngôi nhà tương tự và lấy làm nơi cử hành những nghi lễ trang trọng.
Người Toraji sống nhờ vào nông nghiệp, họ canh tác trên những thửa ruộng bậc thang. Họ chăn thả gia súc và gia cầm dưới sàn nhà Tongkonan của mình. Trong số những con vật nuôi, trâu là tài sản quý báu, là linh vật của người Toraja. Họ treo đầu trâu trước cửa nhà Tongkonan để ngăn chặn ma quỷ. Mọi sinh hoạt trong đời sống từ ma chay cưới hỏi đều có sự hiện diện của con vật này.

Với người Toraja, việc cử hành tang lễ cho người đã khuất đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ quan niệm có sự sống sau cái chết nên khi một người chết đi họ sẽ được mang theo tất cả các vật dụng cần thiết. Khi trong làng có người qua đời, xác sẽ được ướp chất thơm, và bảo quản trong nhà Tongkonan hàng tháng, thậm chí hàng năm để chờ đến thời điểm cử hành tang lễ. Khi đến thời điểm đó, họ tiến hành nghi lễ hạ sát nhiều con trâu trước mặt quan tài của người quá cố. Họ tin rằng trâu là phương tiện đưa người chết về trời và càng nhiều trâu chết thì thời gian về trời càng nhanh. Sau cùng, người chết được chôn cất trong một hốc đá đục rỗng trên vách đá trước đó hàng năm trời. Bên ngoài là hình nhân bằng gỗ được chạm khắc gọi là “Tau tau”, chạm khắc chân dung của người chết đặt trên ban công của ngôi mộ để tưởng nhớ đến người quá cố và mong ước họ có cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia. Vị trí của mộ càng cao càng chứng tỏ địa vị xã hội cao của người đã mất.
Nếu như đảo Bali làm ngây ngất lòng người khi trải nghiệm khung cảnh nắng gió bờ biển trải dài và cát trắng xóa, thì làng Tana Toraja mang lại cảm giác yên bình và sự ngưỡng mộ bởi những nét văn hóa độc đáo được gìn giữ lâu đời của vùng đất này.