“Học thì không có tuổi”
Ở độ tuổi thất tuần, bà Trần Thị Lâm vượt qua nhiều khó khăn để chinh phục tấm bằng đại học, thực hiện đam mê lớn của cuộc đời: học để cập nhật tri thức, để không bị lạc hậu, để không bị bỏ lại phía sau về kiến thức.
Tại buổi lễ tốt nghiệp, sau khi đại diện tập thể sư phạm trường nhận bó hoa tri ân tươi thắm của tân cử nhân, PGS.TS Bùi Huy Nhượng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã trân trọng trao tặng bó hoa lại cho tân cử nhân Trần Thị Lâm. PGS Nhượng chia sẻ, tinh thần học tập của bà Lâm thật đáng trân trọng và là tấm gương cho nhiều thế hệ trẻ noi theo.
Bà Trần Thị Lâm sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo thuộc vùng núi tỉnh Quảng Ngãi. Bố mất sớm, bà Lâm phải cùng mẹ gánh vác, lo từng bữa cơm, bữa cháo cho cả gia đình. Đó cũng là lý do sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Y tế Nghĩa Bình (nay gọi là Trường Cao đẳng Đặng Thuỳ Trâm), bà đành gác lại khát vọng học tiếp đại học để đi vào Miền Nam mưu sinh.
Hành trang mang theo là sự quyết tâm, nghị lực phi thường, một nách năm đứa con thơ dại và một chiếc xe đạp cũ. Bươn chải, vật lộn với cuộc sống, sẵn có tố chất kinh doanh, sau hơn 6 thập kỷ lao động miệt mài, không ngừng nghỉ, bà Trần Thị Lâm đã trở thành một doanh nhân thành đạt.
Bà tham gia sáng lập Tập đoàn Hoa Lâm, Ngân hàng Vietbank, Bệnh viện Quốc tế CIH, Bệnh viện Gia An 115…. Cùng với sự nghiệp của mình, bà đã tạo việc làm ổn định cho khoảng hơn 30.000 lao động khắp mọi miền của Tổ quốc.
Với trái tim nhân hậu và tình thương người hiếm có, bà thường xuyên tổ chức các hoạt động tài trợ, làm từ thiện cho các dự án vì cộng đồng như khám chữa bệnh cho người nghèo, ủng hộ những hộ gia đình khó khăn, sinh viên, học sinh nghèo vượt khó,...
Năm 2020, bước sang tuổi 64, bà Lâm tiếp tục chinh phục ước mơ học đại học của mình. Bà đăng ký và trúng tuyển vào ngành Ngân hàng Tài chính, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau 3,5 năm miệt mài đèn sách với vô vàn khó khăn như tuổi tác, sức khỏe,... với nghị lực phi thường và tinh thần ham học hỏi, ngày 10.9.2023, bà chính thức được Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cấp bằng cử nhân đại học ngành Ngân hàng tài chính.
Bà Lâm chia sẻ, bà từng nghe nhiều người nói rằng “tuổi này đi học để làm gì đâu”. Nhưng bà vẫn quyết tâm đi học bởi khao khát được học đại học từ khi còn trẻ. Bên cạnh đó, bà luôn tâm niệm câu nói “học không có nghĩa là ngừng học”.
“Các bậc tiền nhân Việt Nam cũng luôn coi trọng việc học tập và bản thân tôi cho rằng học thì không có tuổi. Học là để luôn cập nhật tri thức, để mình không bị lạc hậu, để không bị bỏ lại phía sau về kiến thức. Tôi cũng muốn học để con cháu, bạn bè, người thân thấy rằng không có gì mà con người không làm được. Mẹ, bà ở tuổi này còn học được thì các con, cháu cũng khó gì mà không làm được. Tôi nghĩ rằng, đam mê gì cũng được, nhưng đam mê trước hết là học tập. Và quả thực tôi tìm được điều đó ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân”, bà nói.
Mong thế hệ trẻ tiếp tục đam mê học tập
Chia sẻ về những khó khăn khi đi học ở độ tuổi U70, bà Lâm bảo, khi tuổi cao, việc tiếp thu kiến thức cũng có phần hạn chế. Bên cạnh đó, bà không có đủ sức khỏe như các bạn trẻ, nên ngồi nghe giảng hay đọc sách một lúc là có cảm giác mệt mỏi, uể oải.
“Cha ông cha ta đã nói, có công mài sắt có ngày nên kim. Mình không có nhiều sức khỏe thì mình có quyết tâm, có đam mê, khao khát. Một lần nghe giảng chưa hiểu thì tôi ghi âm lại, nghe đi nghe lại rồi cũng hiểu. Tôi cũng đã kinh qua nhiều công việc thực tế nên nghe các bài giảng của thầy cô cũng dễ hiểu, thậm chí còn giải đáp nhiều khúc mắc mà nhiều năm qua mình chưa giải được. Đọc sách mệt thì mình đứng lên vươn vai, đi lại một chút rồi lại đọc sách tiếp”, bà Lâm nói.
Tân cử nhân U70 kể, thậm chí khi đã đọc sách quen và thấy hay, nhiều đêm muộn, người nhà giục nghỉ ngơi nhưng bà vẫn ngồi đọc cho xong chương sách đọc dở để thưởng thức hết cái hay của cuốn sách. Hơn nữa, nếu không đọc hết, ngày mai lại quên mất tính logic của cuốn sách sẽ lại phải đọc từ đầu.
“Lúc đầu đi học, tôi nghĩ còn 4 năm nữa thì cũng oải lắm, nhưng sau quen dần, rồi giờ trở thành thói quen, tối về mà mình không cầm cuốn sách để đọc thì cảm giác thấy thiếu thiếu gì đó”, bà tâm sự.
Tân cử nhân Trần Thị Lâm chia sẻ, trước đây, đời sống nhiều khó khăn, bà muốn đi học nhưng không có điều kiện để học cao. Ngày nay, cuộc sống đã cải thiện nhiều hơn trước, bà Lâm mong thế hệ trẻ tiếp tục đam mê học tập, hết mình.
“Tôi nghĩ rằng tuổi mình còn làm được thì các em đang có tuổi trẻ, nhiệt huyết, đam mê, cộng với điều kiện hòa bình ổn, định của đất nước... Hai điều kiện này là môi trường thuận lợi nhất cho các em học tập và phát triển. Hãy sống hết mình, có đam mê, có nhiệt huyết, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Hãy cho đi để nhận được và nhận được rồi thì lại cho đi để mọi người cùng nhận được”, bà Lâm nhắn nhủ.
Được biết, sau khi trao bằng tốt nghiệp cho tân cử nhân Trần Thị Lâm, PGS.TS Hoàng Xuân Quế, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã mời bà Lâm giao lưu, gặp mặt cùng các tân sinh viên ngành Ngân hàng Tài chính Khóa 65.
Với câu chuyện chia sẻ thật xúc động, tân cử nhân U70 đã truyền lửa, truyền cảm hứng và động lực vươn lên cho các tân sinh viên Khóa 65.