Khi thủy thủ người Italy Vincenzo Peruggia ăn trộm bức tranh Mona Lisa từ Bảo tàng Louvre năm 1911, ông không bao giờ nghĩ rằng chính sự vắng mặt của nàng đã khiến Mona Lisa trở thành bức tranh nổi tiếng nhất hành tinh. Đột nhiên, hình ảnh của tác phẩm này xuất hiện nổi bật trên báo chí thế giới. Phải mất 2 năm, mãi đến tháng 12.1913, Peruggia mới bị bắt và Mona Lisa được tìm thấy, trở thành bức tranh nổi tiếng nhất. Ngày nay, Mona Lisa là viên kim cương trên vương miện của Bảo tàng Louvre, giúp thu hút hơn 9,7 triệu lượt khách đến đây năm 2012, và bất tử trong các tác phẩm nghệ thuật pop của Andy Warhol hay tiểu thuyết bán chạy Mật mã Da Vinci của Dan Brown.

Nếu như Peruggia ăn trộm tác phẩm khác trong ngày định mệnh đó, có lẽ đã có một câu chuyện khác. “Nếu một tác phẩm khác của Leonardo bị ăn trộm, nó đã trở thành tác phẩm nổi tiếng thế giới, chứ không phải Mona Lisa” - Noah Charney, giáo sư lịch sử mỹ thuật, tác giả của Những vụ trộm Mona Lisa khẳng định. “Chẳng có gì cho thấy Mona Lisa thực sự xuất chúng, ngoài việc đó là tác phẩm đẹp của một họa sỹ rất nổi tiếng, cho đến khi nó bị ăn trộm. Vụ trộm đó đã thực sự đẩy sức hấp dẫn của tác phẩm lên cao và khiến nó nổi tiếng”.
Tên trộm liều lĩnh
Làm thế nào Peruggia gây ra một trong những vụ trộm tác phẩm nghệ thuật lớn nhất mọi thời đại? Peruggia được Louvre thuê làm khung kính bảo vệ cho một số tác phẩm nổi tiếng của Bảo tàng, trong đó có Mona Lisa. Sau khi ẩn náu qua đêm tại đây, Peruggia đã lấy bức tranh một cách đơn giản, giấu nó trong áo khoác và khi tung tăng ra khỏi tòa nhà thì phát hiện cửa bị khóa. May có một thợ ống nước tốt bụng đi qua, có chìa khóa mở cửa cho Peruggia. 24 tiếng sau, người ta mới phát hiện ra nàng Mona Lisa biến mất khi gỡ các tác phẩm nghệ thuật xuống để chụp ảnh và lau bụi. Charney, người sáng lập Hiệp hội Nghiên cứu tội phạm tác phẩm nghệ thuật (ARCA) cho biết: Louvre có hơn 400 phòng, nhưng lúc đó chỉ có 200 bảo vệ, thậm chí ca đêm ít hơn; cũng không có hệ thống báo động. Nói chung là không bảo đảm an toàn. Nhưng nói một cách công bằng, hầu hết bảo tàng lúc đó đều như vậy.
Nổi tiếng khắp thế giới
Báo chí Pháp đã có một ngày đáng nhớ, coi vụ trộm là cơ hội để chế giễu chính phủ không có khả năng quản lý Louvre. Tin tức về vụ trộm cũng như hình ảnh Mona Lisa bùng nổ trên khắp thế giới. “60 thám tử tìm kiếm Mona Lisa bị đánh cắp, công chúng Pháp phẫn nộ” - tờ New York Times viết.
Lần đầu tiên, dòng người xếp hàng dài bên ngoài Bảo tàng Louvre, chỉ để xem khoảng trống nơi từng treo bức tranh. “Vụ trộm đã khiến cho Mona Lisa được biết đến rộng rãi, ngay cả với những người chưa từng đến châu Âu và cũng không quan tâm đến nghệ thuật” - Charney bổ sung. “Và nó thực sự tiếp tục nổi tiếng từ đó”.
Trong 2 năm sau đó, cảnh sát tiến hành điều tra, ngay cả Pablo Picasso cũng bị nghi ngờ. Cảnh sát thậm chí đã thẩm vấn Peruggia 2 lần, nhưng cuối cùng kết luận ông không thể là người thực hiện vụ trộm liều lĩnh đó. Cảnh sát trưởng Paris nghỉ hưu trong tủi hổ. 2 năm sau, một người buôn nghệ thuật ở Florence nhận được thư từ một người ký tên Leonardo, nói rằng đang giữ Mona Lisa. Người đó tất nhiên là Peruggia. Sau khi sắp xếp cuộc gặp với nhà buôn và giám đốc phòng trưng bày Uffizi ở Florence, Peruggia mang ra bức tranh mà anh cất giấu trong căn hộ của mình mấy năm qua. Peruggia lúc đó 32 tuổi, khẳng định ăn cắp bức tranh để trả nó về quê hương Italy. Peruggia bị bắt và sau đó kết án tù 7 tháng. “Anh ta cứ nghĩ sẽ trở thành anh hùng dân tộc nhưng cuối cùng lại sụp đổ khi nhận ra không phải vậy”.
Với hầu hết chúng ta, Mona Lisa chỉ có thể chiêm ngưỡng từ xa, qua khung kính, nở nụ cười bí ẩn trước cảnh khách du lịch chen chúc giơ máy ảnh. Trong 2 năm sở hữu (bức tranh) phụ nữ nổi tiếng này, Peruggia có phải lòng Mona Lisa không? “Tôi nghĩ là có” - Charney nói. “Có một số tên ăn cắp tác phẩm nghệ thuật phải chịu một dạng của hội chứng Stockholm ngược - kẻ bắt giữ con tin đem lòng yêu con tin. Trong trường hợp này, con tin là tác phẩm nghệ thuật”.