Theo đó, đêm muộn ngày 31.3, Bệnh viện Trung ương Huế nhận được thông tin điều phối tạng từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng quốc gia về việc có người hiến chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh hiến tặng tạng, các bệnh nhân tại bệnh viện đủ điều kiện nhận tạng hiến: gan, tim và thận.
Ngay trong đêm, bệnh viện đã họp khẩn, tiến hành rà soát và dự trù lên các phương án di chuyển hợp lý nhất, tận dụng từng giây, từng phút để tạng hiến được bảo quản đúng thời gian tối ưu.
Áp lực về khoảng cách địa lý đặt ra bài toán phải làm sao để đáp ứng các tiêu chí nhanh nhất, an toàn nhất, đảm bảo thời gian cho phép của tạng hiến. Bởi, lần nhận điều phối này, các yếu tố về khoảng cách, phương tiện và thiết bị cần thiết đều không thuận lợi.
GS.TS. Bác sĩ Phạm Như Hiệp Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: “Đặc biệt đây là ca lấy, ghép đa tạng và nỗi trăn trở là “quả tim” bởi thời gian cho phép từ người hiến đến người nhận không quá 6 giờ. Đồng thời gan người hiến được chia cho 1 bệnh nhân ở Hà Nội và 1 em bé ở Huế, đây cũng là lần đầu tiên triển khai ghép gan trên bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Trung ương Huế”.
Bệnh viện nhanh chóng thiết lập ekíp gồm 8 y, bác sĩ - những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực ghép tạng do TS. BS. Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng đoàn đến Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, Quảng Ninh.
Cùng với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tham gia họp, đánh giá, phân tích để lấy được ca hiến đa tạng đầu tiên tại tuyến tỉnh đưa về ghép cho các bệnh nhân tại các trung tâm ghép tạng trên cả nước.
Ca phẫu thuật lấy tạng được thực hiện từ đêm 1.4 đến rạng sáng 2.4 với sự tham gia của khoảng 120 y, bác sĩ. Đến 9 giờ 23 phút ngày 2.4, 3 tạng đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Thừa Thiên Huế.
Trong thời gian đó, các ekip nhận tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế tích cực chuẩn bị bệnh nhân sẵn sàng nhận 3 tạng: gan, tim, thận và đã khẩn trương phẫu thuật ngay khi tạng kịp về đến Bệnh viện Trung ương Huế lúc 9 giờ 50 phút.
Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, trái tim đã đập lại trong lồng ngực người bệnh suy tim rất nặng, EF 18% trước đây đã từng 2 lần ngưng tim.
Với bệnh nhi ghép gan, được chẩn đoán xơ gan do teo đường mật bẩm sinh đã được điều trị phẫu thuật Kasai, tuy nhiên không đáp ứng điều trị, tình trạng xơ gan ngày càng nặng, hiện tại đang điều trị cấp cứu nếu không được ghép gan kịp thời sẽ tử vong.
Dưới sự chỉ đạo kịp thời của PGS. TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cùng sự hỗ trợ của ê kíp ghép gan Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 do PGS.TS Lê Văn Thành phụ trách, ca ghép gan đã thành công, mang lại cơ hội sống cho bệnh nhi này.
Sau 5 giờ cùng lúc thực hiện ghép 3 tạng, hiện các bệnh nhân sau ghép đã ổn định, đang dần hồi phục tốt. Hậu phẫu ngày thứ 3, tình trạng 3 bệnh nhân đã rút nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số huyết động và sinh hoá ổn định, chức năng tạng tốt.
GS.TS. Bác sĩ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong vòng 48 giờ đồng hồ, đơn vị đã lập ba kỷ lục về ghép tạng.
Kỷ lục thứ nhất: “Ngày ghép tạng” bắt đầu từ ngày 2.4 với 4 ca ghép thận cùng huyết thống, 1 ca ghép thận tự thân (bệnh nhân đa chấn thương, chấn thương thận độ 4), 3 ca ghép tạng xuyên Việt.
Kỷ lục thứ hai: Lần đầu tiên thực hiện ghép bộ ba tạng tim, gan, thận xuyên Việt từ người cho chết não tại Bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh).
Kỷ lục thứ ba: Thời gian vận chuyển 3 tạng xuyên Việt cho cùng một đơn vị dài nhất.
“Từng nhịp trên màn hình monitor tựa như những đường nét hạnh phúc – hạnh phúc cho 8 số phận đang từng ngày giành giật sự sống trên giường bệnh cấp cứu, hạnh phúc của đội ngũ y, bác sĩ khi được đem đôi bàn tay, khối óc của mình mang sự sống trở lại.
Ghép tạng xuyên Việt từ người hiến tặng chết não luôn là một hành trình diệu kỳ và hôm nay một lần nữa, Bệnh viện Trung ương Huế lại có cơ hội thực hiện sứ mệnh đặc biệt của mình”, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế chia sẻ.