Trực diện vào những tồn tại cũ...
Nhóm vấn đề đầu tiên và cũng là nhóm vấn đề trọng tâm được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn Bộ trưởng Lê Thành Long làviệc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp bảo đảm tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật; giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong phát biểu mở đầu phiên chất vấn cho biết, đã có tới 34 Đoàn đại biểu Quốc hội trực tiếp đề xuất chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về nhóm vấn đề nêu trên. Ngay trong phiên chất vấn cũng đã có tới 30 trên tổng số 43 câu hỏi liên quan đến công tác xây dựng pháp luật nói chung và các vấn đề có liên quan đến xây dựng pháp luật. Không khó để lý giải sự lựa chọn này bởi khá nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực xây dựng pháp luật đã được nhận diện rõ, Quốc hội đã nhiều lần yêu cầu nhưng sự chuyển biến vẫn còn chậm.
ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh) nêu thực tế tình trạng nợ và chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật đã diễn ra trong nhiều năm và chưa được khắc phục. Đơn cử như Đoàn giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã chỉ ra có 12 văn bản chậm tiến độ, 18 nội dung giao cho bộ hướng dẫn nhưng chưa ban hành văn bản, trong đó có nhiều văn bản quan trọng và liên quan đến Luật Giáo dục năm 2019.
“Chính vấn đề nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật gây khoảng trống pháp luật cũng như gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, lãng phí nguồn ngân sách nhà nước. Với trách nhiệm của mình thì trong thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp gì trong chỉ đạo, điều hành để khắc phục được tình trạng nêu trên?” - đại biểu Trần Thị Vân đặt câu hỏi.
Ghi nhận Bộ Tư pháp đã có sự chuẩn bị kỹ hơn và đổi mới cách thức trong việc lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Khoá XV đến nay, song dẫn kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2022, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) chỉ rõ: có những nội dung đã được kiến nghị từ nhiều lần giám sát trước đây, nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành; vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; có nội dung ủy quyền trực tiếp hoặc ban hành chưa đúng thẩm quyền và hình thức của một số văn bản quy định chi tiết còn chưa phù hợp, không đúng với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Vậy, giải pháp và trách nhiệm của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng phải làm rõ hơn về nguyên nhân chính, các giải pháp dài hạn, căn cơ để thực hiện hiệu quả hơn và khắc phục tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới” - đại biểu Điểu Huỳnh Sang chất vấn.
Trả lời các chất vấn trực diện, sắc sảo nêu trên, Bộ trưởng Lê Thành Long rất cầu thị, phản ánh trung thực tình hình thực tế. Trong đó, Bộ trưởng thừa nhận “nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết là vấn đề đã có từ lâu nhưng chưa xử lý được dứt điểm. Nợ của từng năm thì có sự trồi sụt nhất định, tuy nhiên năm 2021 có chiều hướng tăng, cụ thể là tăng 6 văn bản so với năm 2022”.
Nguyên nhân, theo Bộ trưởng, “nhiều khi nhiều nội dung quá, Luật Bảo vệ môi trường chẳng hạn, có 65 nội dung giao trong luật là phải quy định chi tiết hoặc có những luật, nghị quyết thì thời điểm thông qua và có hiệu lực rất ngắn, cho nên phải cấp tốc soạn thảo, ban hành các nghị định nhưng cũng không kịp”. Ngoài ra, “còn do trình độ và nhiều khi chúng ta cứ bảo là làm một luật sau đó được cái gì thì chúng ta đưa vào đó, còn nếu không thì cứ quy định vào trong nghị định rồi tính sau, có tâm lý thực tế như vậy”. Bộ trưởng cũng báo cáo rất thật là “nếu các nội dung mà nghĩ ra được ở trong dự thảo nghị định thì thà quy định luôn ở trong luật, chưa nghĩ được cho nên mới để lại”.
Nhìn thẳng vào thực tế, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có những giải pháp như nhận định của chính Bộ trưởng là “có một vài điểm mới hơn” như: Chính phủ đã ban hành nghị quyết, Bộ Tư pháp trình một số giải pháp để khắc phục các hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có câu chuyện nghị định quy định chi tiết và tính kỷ luật hành chính trong soạn thảo, ban hành văn bản và trách nhiệm tổ chức thi hành”.
Cùng với đó, Bộ trưởng Lê Thành Long dẫn văn bản của Đảng - Quy định số 69 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên, xem đây là “một công cụ rất mạnh”. Hiện nay, Bộ Chính trị cũng đang chỉ đạo để ban hành hành Quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cho biết “rất hy vọng vào văn bản này”.
Về lâu về dài, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, “cũng vẫn phải tính, tức là cố gắng làm sao đấy để những việc có thể ban hành được trong luật và lẽ ra là phải điều chỉnh ở trong luật như các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách, phân bổ kinh phí thì phải là luật. Bộ Tài chính năm nào cũng phải ban hành hàng loạt các văn bản, các thông tư như thế thì cũng quá là kỳ công và nhiều khi cũng hạn chế tính kịp thời”. Giải pháp cuối cùng, Bộ trưởng cho biết “vẫn tiếp tục đề xuất là giải thích pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các án lệ của Tòa án tối cao”.
.... và cái khó của Bộ trưởng!
Nhiều tồn tại “thâm niên” khác cũng được các ĐBQH Trần Văn Tuấn (Bắc Giang), Phạm Hùng Thắng (Hà Nam)... đề cập như: tình trạng báo cáo thẩm định dự án luật của Bộ Tư pháp đã nêu rõ những vấn đề không phù hợp, không khả thi với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nhưng dự án luật trình sang Quốc hội lại chưa được Chính phủ, bộ, ngành chủ trì soạn thảo tiếp thu. Vậy, trách nhiệm thẩm định và trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo như thế nào? Tình trạng ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật nội dung vẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có dấu hiệu trái quy định pháp luật. Vậy, việc quy định cụ thể chế tài xử lý đối với cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được thực hiện như thế nào?
Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng cho biết, “thẩm định của Bộ Tư pháp chỉ có giá trị tham khảo cho các cơ quan chủ trì. Còn các cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình đến đâu là quyền của chủ thể, chúng tôi cũng không có thẩm quyền để nói lại”, đồng thời đề nghị “các bộ, các ngành tiếp tục nghiên cứu thêm các báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp”.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, Bộ Tư pháp không “automatic” (tự động) kiểm tra tất cả các văn bản theo thẩm quyền mà trước hết các bộ, các ngành phải tự kiểm tra. Bộ Tư pháp chỉ vào cuộc khi văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Những dấu hiệu này từ nhiều nguồn, có thể gửi văn bản cho Bộ Tư pháp, có thể từ phản ánh của các phương tiện báo chí, truyền thông, có thể là từ kiến nghị của các doanh nghiệp. Khi kiểm tra thì Bộ Tư pháp cũng chỉ có mấy việclà, xem văn bản đó có trái về nội dung, có trái về thẩm quyền so với văn bản bên trên không và một số nội dung liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản.
“Đại biểu đặt vấn đề vậy hậu kiểm có đủ không? - Theo tôi nghĩ rằng, tiền kiểm được nữa thì tốt nhưng khả năng tiền kiểm về thông tư thì chúng ta chưa làm được”. Việc xử lý các văn bản sai dù là sai về thể thức, thẩm quyền hay kỹ thuật văn bản thì qua trả lời của Bộ trưởng cũng cho thấy biện pháp “rất hy vọng” vẫn nằm ở “các quy định siết chặt thêm của các cơ quan Đảng để nhìn nhận, xem xét và xử lý nghiêm túc hơn”.
Bộ trưởng Lê Thành Long, trong lần trả lời chất vấn đầu tiên của mình đã điềm tĩnh phân tích và chia sẻ chân thành, nói thật về những tồn tại, hạn chế trong 3 nhóm vấn đề chất vấn. Bộ trưởng cũng không bỏ lỡ câu hỏi nào, chưa có chất vấn trực tiếp hay tranh luận nào của đại biểu tại phiên họp sáng nay chưa được Bộ trưởng trả lời. Điều đặc biệt là, Bộ trưởng cũng không tranh thủ diễn đàn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để “báo cáo thành tích” dù những kết quả của ngành tư pháp và Bộ Tư pháp như ghi nhận của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là “khá toàn diện và quan trọng. Đặc biệt, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết được Chủ tịch Quốc hội đánh giá là “rất trách nhiệm và chất lượng”, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng đây luôn là tài liệu rất quan trọng được các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo kỹ.
Dù vậy, những giải pháp được Bộ trưởng đưa ra có thể chưa thực sự khiến các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân thấy “thoả lòng”, thấy yên tâm. Bởi lẽ, là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật... nhưng qua phần trả lời của Bộ trưởng Lê Thành Long dường như Bộ Tư pháp có nhiều "cái khó", chưa có đủ công cụ và các điều kiện bảo đảm, chưa có đủ thẩm quyền để thực thi hiệu quả vai trò của “cơ quan gác cổng” cho Chính phủ về công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Những nhiệm vụ thể hiện sắc nét nhất vai trò của "cơ quan gác cổng" như thẩm định các dự án luật, dù "sản phẩm" của Bộ Tư pháp rất tốt, rất chất lượng nhưng cũng chưa đủ "sức nặng" để các cơ quan chủ trì soạn thảo phải "nghe theo" hoặc phải giải trình thấu đáo, thuyết phục những nội dung Bộ Tư pháp đã chỉ ra. Hay nhiệm vụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ Tư pháp cũng chỉ có chức năng "kiến nghị" mà chưa có những công cụ hiệu quả để xử lý các văn bản sai phạm.
Xây dựng pháp luật chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng, thậm chí là phức tạp và nhiều khó khăn bởi liên quan đến rất nhiều chủ thể khác nhau với thẩm quyền và trách nhiệm khác nhau. Cũng cần phải nói thêm rằng, những đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, Chính phủ thời gian gần đây có tác động, thậm chí là "sức ép" rất lớn từ Quốc hội với những yêu cầu gắt gao, sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội về việc bảo đảm chất lượng các dự án luật. Nhưng rõ ràng, với hơn 90% tổng số dự án luật trình Quốc hội là của Chính phủ thì Quốc hội không thể "làm thay" các công đoạn chuẩn bị của Chính phủ, các cơ quan chủ trì soạn thảo. Vì thế, vai trò "cơ quan gác cổng" cho Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp phải được tăng cường và củng cố nhiều hơn nữa. Và Bộ trưởng Bộ Tư pháp - chắc chắn phải hành động quyết liệt hơn nữa mới có thể hoàn thành sứ mệnh của "cơ quan gác cổng".