Tai nạn giao thông vẫn ở mức cao
Tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.
Tại Việt Nam, trong 10 năm trở lại đây, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông trẻ em đã giảm, tuy nhiên vẫn còn đang ở mức rất cao. Mỗi năm có khoảng gần 2.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông cùng với đuối nước là hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ ở nước ta.
Dẫn thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Minh cho biết, khi tham gia giao thông bằng ô tô, ghế sau là vị trí an toàn nhất cho trẻ. Nguy cơ chấn thương giảm cho trẻ em khi ngồi ở ghế sau kể cả trường hợp dùng thiết bị an toàn và không dùng thiết bị an toàn. Với trẻ em không dùng thiết bị an toàn nguy cơ chấn thương ở trẻ em ngồi ghế sau giảm 26% so với trẻ ngồi ghế trước. Với trẻ em có dùng thiết bị an toàn thì nguy cơ này giảm 14%.
Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cho biết, căn cứ vào những nghiên cứu của các tổ chức y tế, các tổ chức xã hội, dựa vào những kinh nghiệm của các nước phát triển cũng như thực tiễn tại Việt Nam, cơ quan soạn thảo cũng đã đề xuất việc là đưa nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến an toàn cho trẻ em mà khi ngồi trên ô tô và ưu tiên trợ giúp khi xảy ra tai nạn giao thông đối với nhóm yếu thế, và tham khảo kinh nghiệm của quốc tế để quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em.
Giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở trường học là cần thiết
Tại khoản 3 Điều 10 dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sửa đổi, bổ sung một số nội dung có liên quan đến an toàn cho trẻ em khi ngồi trên xe ô tô, ưu tiên trợ giúp khi xảy ra tai nạn giao thông đối với nhóm yếu thế, kể cả trẻ em. Cụ thể, người lái xe phải hướng dẫn, sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35m được chở trên xe ô tô khi không có người lớn ngồi cùng, trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng bổ sung quy định mới về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó nhấn mạnh việc giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em mầm non, học sinh, sinh viên, người học trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào chương trình chính khóa phù hợp với từng ngành học, cấp học.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh cũng chỉ ra một thực tế, trong một số trường hợp không phải các em học sinh không tuân thủ luật giao thông mà nguyên nhân lại xuất phát từ người lớn. Bố mẹ, ông bà trong gia đình là người không gương mẫu, không tuân thủ các quy định về an toàn giao thông đường bộ như: không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, vượt quá tốc độ... sẽ trở thành tấm gương làm các em học sinh học theo, hình thành ý thức, thói quen xấu. Do đó, việc giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ngay từ các cấp học là vô cùng cần thiết.
“Tôi mong rằng việc giáo dục về chấp hành trật tự an toàn giao thông đường bộ được đưa vào giáo dục trong trường học ở tất cả các cấp học, để ý thức chấp hành pháp luật của các em học sinh được nâng cao, từ đó giảm dần các hành vi vi phạm. Đồng thời, mong nhận được sự ủng hộ của các đại biểu Quốc hội, của Nhân dân cả nước để sớm đưa quy định về bảo đảm trật tự giao thông cho lứa tuổi trẻ em, lứa tuổi tương lai của đất nước vào luật”, Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh nói.