Chuyến tham quan, học tập cũng có sự đồng hành của hai chuyên gia từ Chương trình Bảo hiểm Xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam là ông André Gama, Giám đốc Chương trình An sinh Xã hội và ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối viên quốc gia, Chương trình An sinh Xã hội.
Hai bên đã tiến hành trao đổi về chủ đề an sinh xã hội và hướng phát triển trong tương lai, trong đó tập trung thảo luận vấn đề an sinh xã hội dành cho lao động phi chính thức tại Việt Nam.
Trong buổi thảo luận, nhóm sinh viên Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội đã được ông André Gama chia sẻ những kiến thức mới mẻ về an sinh xã hội cũng như những kinh nghiệm trên thế giới.
Các nội dung chia sẻ từ đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đều đi kèm nhiều ví dụ thực tiễn, giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu kiến thức và hiểu sâu hơn về mục đích, ý nghĩa của việc tăng diện bao phủ an sinh xã hội, hướng tới thúc đẩy sự công bằng, tăng cường việc làm thỏa đáng, công bằng xã hội cho mọi người lao động.
Ông André Gama cho biết, tổng chi phí đầu tư cho an sinh xã hội (trừ y tế) tính trên phần trăm GDP tại Việt Nam là 4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (13%).
Nghiên cứu của ILO cho thấy, khi đầu tư 1 triệu đồng vào an sinh xã hội sẽ giúp GDP tăng 3,5 triệu đồng (tại mức tăng cao nhất - đạt được sau khoảng 1 năm). Đây là những gợi mở, vấn đề cần thiết phải thảo luận, để làm sao đảm bảo được chế độ an sinh xã hội cũng như giúp tăng trưởng nền kinh tế thị trường.
Buổi thảo luận trở nên thú vị hơn khi các sinh viên liên tục đặt câu hỏi cho ông André Gama và ông Nguyễn Hải Đạt về những thắc mắc trong quá trình nghiên cứu, phương hướng cũng như những giải pháp cho phát triển an sinh xã hội tại Việt Nam mà Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mong muốn hợp tác, hướng tới cùng các đối tác ba bên (Chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động).
Cụ thể, nhóm sinh viên mong muốn làm rõ những điểm còn hạn chế trong hệ thống an sinh xã hội tại Việt Nam; phương thức tăng diện bao phủ an sinh xã hội tới toàn mọi đối tượng, đặc biệt là người làm công việc phi chính thức; việc xây dựng chế độ bảo hiểm xã hội đa tầng; vai trò và tầm quan trọng của Nhà nước trong việc quản lý, phát triển chương trình bảo hiểm xã hội bắt buộc buộc tới toàn dân.
Thay mặt Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, TS Nguyễn Lê Thu bày tỏ vinh dự khi được đến thăm, trải nghiệm và thảo luận cùng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Đồng thời, hy vọng trong tương lai các sinh viên Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thêm nhiều cơ hội gặp gỡ, trao đổi cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Em Nguyễn Minh Thu, sinh viên năm hai, ngành Luật học chia sẻ niềm vui khi có cơ hội được học hỏi và làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nơi tập trung những người tài năng và giàu kinh nghiệm.
"Em và các bạn của mình đã tiếp thu được rất nhiều kiến thức, bài học quý giá từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - những điều mà em tin rằng sẽ vô cùng hữu ích cho con đường sự nghiệp sau này. Em sẽ luôn nỗ lực học hỏi và hoàn thiện bản thân để có thể trở thành một thành viên đóng góp tích cực cho xã hội giống như những gì ILO đang làm”, Minh Thu nói.
Theo Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyến đi này mang đến cho sinh viên nhà trường cơ hội “vàng” để trải nghiệm và học hỏi thực tế tại tổ chức liên Chính phủ lớn nhất thế giới.
Qua đó, các bạn được tiếp cận những góc nhìn mới mẻ về an sinh xã hội. Không chỉ vậy, đây còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các bạn vận dụng kiến thức học được, tạo ra những bài nghiên cứu chất lượng, góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả tăng cường an sinh xã hội tại Việt Nam.