Những trải nghiệm đau đớn mà người trẻ đôi khi phải trải qua có thể dẫn đến việc họ đưa ra quyết định tự tử.
Các phương pháp đối phó với khó khăn và sự hỗ trợ kịp thời có thể giúp họ có lý do sống tiếp. Đây là một trong những môn học được giảng dạy tại khoa tâm lý của Đại học Nara ở Nhật Bản.
Đấu tranh giữa tuyệt vọng và mong muốn được sống
Giáo sư xã hội học Jin Ota, 68 tuổi, cho biết, ông nhận ra rằng, nhiều người trẻ đã đánh mất ý nghĩa và giá trị cuộc sống của mình. Khi tham gia một buổi hội thảo gần đây, ông đã thảo luận một số chủ đề bao gồm bắt nạt trên mạng và trốn học ở trẻ nhỏ.
Giáo sư Ota giải thích mục đích đằng sau khóa học: “Chúng tôi muốn tạo ra một bước đột phá trong tình hình hiện tại bằng cách giáo dục những người trẻ để họ có thể cứu người khác khỏi tuyệt vọng”.
Trong một bài giảng gần đây, Ota giải thích: “Mặc dù có một số bạn trẻ nói rằng họ muốn chết nhưng mong muốn thật sự của họ là gửi đi một lời cầu cứu rằng: Tôi đau khổ quá, tôi muốn chết. Nhưng tôi thực sự muốn sống”.
Giáo sư Ota kể về một trường hợp học trò của ông nhận ra dấu hiệu cảnh báo ở một người bạn học và đã thành công trong việc hỗ trợ người đó vượt qua cơn khủng hoảng.
Theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tự tử là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật Bản đối với những người trong độ tuổi từ 15-39 trong ít nhất một thập kỷ từ 2013 đến 2022. Số học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên tự tử đã tăng lên con số 514 vào năm 2022, mức cao nhất được ghi nhận.
Nguyên nhân và động cơ tự tử phổ biến nhất ở những người ở độ tuổi 20 là các vấn đề về sức khỏe và công việc cũng như các vấn đề kinh tế liên quan đến việc kiếm sống.
Giáo dục học sinh cách phòng chống tự tử
Giáo sư Ota dần nhận thấy vấn đề này đã trở nên cấp bách hơn sau khi thực hiện cuộc khảo sát vào tháng 9.2022, khoảng một nửa trong số 557 sinh viên được thăm dò từ một số trường đại học, bao gồm cả trường đại học của ông, tự coi mình là “vô giá trị” hoặc “có thể thay thế bất cứ lúc nào”.
Kết quả cuộc khảo sát này khiến ông ưu tiên hơn cho việc dạy sinh viên cách vượt qua những khoảng thời gian tuyệt vọng. Một số học trò của ông đồng cảm với những người trẻ muốn tự kết liễu đời mình.
Một nữ sinh viên 21 tuổi đang học năm thứ đại học cho biết: “Tôi có thể hiểu được cảm giác nhiều lúc muốn tự sát”. Nữ sinh viên này bị lạm dụng tình dục khi còn là học sinh trung học cơ sở, nhưng vì không thể thừa nhận sự rối loạn cảm xúc mà trải nghiệm đó đã gây ra cho mình nên cô bắt đầu tự làm hại bản thân trong một thời gian dài.
Khi tâm sự với bạn bè và nghe mọi người nói: “Bạn đừng nhắc tới những chuyện như vậy”, phản ứng của họ chỉ càng củng cố thêm cảm giác tuyệt vọng của cô và cô tự nhủ rằng mình đang sống ở một thế giới khác với những người xung quanh.
Trong thâm tâm, cô muốn bạn bè hỏi xem có chuyện gì xảy ra với cô thay vì khuyên nhủ cô. Sau đó, qua các cuộc gặp gỡ với các cố vấn và những người khác, cô quyết định tham gia vào một khóa học chữa lành vết thương tình cảm và đăng ký vào khoa tâm lý học tại Đại học Nara. Cô nói rằng nhờ tìm hiểu về tổn thương tinh thần của những người trẻ khác, cô đã tìm thấy sự giải thoát khỏi tổn thương tinh thần của chính mình.
Giờ đây cô gái trẻ cảm nhận rõ ràng rằng, nhiều người trẻ cũng đã trải qua những trải nghiệm tương tự khi mang theo nỗi đau không thể giải quyết của mình.
Các chuyên gia cho biết, tỷ lệ tự tử trong giới trẻ ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trong nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển và các biện pháp đối phó là rất cần thiết. Theo giáo sư Ota, có rất nhiều bạn trẻ coi những tiết lộ về “mong muốn được chết” của một người bạn là ngớ ngẩn hoặc không đáng để thảo luận.
Để giải quyết những tình huống như vậy, giáo sư Ota khuyên mọi người nên tìm hiểu lý do tại sao một người bạn lại rơi vào trạng thái đau khổ, tuyệt vọng. Giáo sư nhấn mạnh: “Một lời động viên cũng có thể cứu sống một ai đó”.