Quan tâm đến giám định tư pháp, ĐBQH Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho biết, hiện nay để thu hút những người làm công tác giám định tư pháp rất khó khăn, nhất là giám định pháp y vì hoạt động giám định tư pháp rất vất vả và độc hại. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách, biện pháp gì để giúp địa phương thu hút người là công tác giám định tư pháp?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, để thu hút người làm cán bộ giám định tư pháp rất khó, vì đây là nghề đòi hỏi có chuyên môn. Mặt khác kinh phí chi cho cán bộ giám định viên chưa tương xứng, làm việc 8 tiếng chỉ được 180 nghìn đồng/người, và từ năm 2017 đến giờ chưa cải thiện được.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực đã nhìn rõ vấn đề này. Hiện Tòa án Nhân dân tối cao đã soạn thảo Pháp lệnh về chi phí tố tụng, giám định, người làm chứng, người phiên dịch… Nếu kịp sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 10.2023.
Liên quan đến nội dung này, ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà (TP. Hà Nội) đặt vấn đề, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn không ít vụ án chậm xử lý, còn nhiều tài sản tham nhũng không bị thu hồi. Nguyên nhân chủ yếu theo đại biểu là do hoạt động giám định tư pháp còn nhiều hạn chế như: chưa được quan tâm, nên mọi nguồn lực cho hoạt động giám định tư pháp còn hạn chế. Xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9.11.2022 Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Cùng với đó, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, thời hạn giám định chưa hợp lý, chất lượng giám định chưa cao.
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp đột phá để khắc phục hạn chế nêu trên, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hết sức quan tâm đến vấn đề này và đã có những chỉ đạo cụ thể. Đơn cử như quy định thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên là phải trực tiếp. Hay, cân nhắc sửa Điều 26a về thời hạn giám định khớp với Bộ luật Tố tụng hình sự trong các trường hợp giám định bắt buộc. Sửa khoản 1, Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính để kéo dài thời hạn xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp chưa đủ yếu tố truy tố trách nhiệm hình sự; hay trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định phải bảo đảm đúng phạm vi, đúng đối tượng, đúng chủ thể thực hiện. Nghiên cứu xã hội hóa các lĩnh vực giám định theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở các lĩnh vực ít có đòi hỏi, ít có yêu cầu.
Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cần làm rõ các vấn đề về kinh phí, chi phí cho giám định và trách nhiệm trưng cầu giám định của giám định viên.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắn, thực tế, đội ngũ giám định viên còn mỏng, chế độ, chính sách chưa bảo đảm được yêu cầu. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ đã có cuộc làm việc để tháo gỡ những khó khăn để tháo gỡ những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu.
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thời gian qua, chúng ta thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, nên theo tinh thần Nghị quyết 18/NQ- TW, Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nên phòng pháp chế của Sở Tư pháp được sắp xếp lại, giảm đầu mối tổ chức bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Hơn nữa, lĩnh vực giám định viên là lĩnh vực khó, phức tạp, rất nhạy cảm. Lực lượng này cũng rất khó tuyển dụng vì đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, thời gian tới, sẽ xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực trên lĩnh vực tư pháp nói chung, trong đó có đội ngũ pháp chế viên và giám định viên giai đoạn 2023 – 2030. Đặc biệt chú ý đến công tác tuyển dụng, sử dụng và các cơ chế, chính sách có liên quan. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ này để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.