Hội thảo đã tập trung thảo luận các đề xuất, kiến nghị, giải pháp nhằm phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới, trong đó một số nhóm vấn đề đáng lưu ý như sau:
Về các giải pháp để phục hồi du lịch trong giai đoạn 2022-2023: Kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và thích ứng an toàn là điều kiện tiên quyết để mở cửa du lịch an toàn. Tiếp tục triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch phục hồi và thích ứng tình hình mới. Triển khai đồng bộ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó có lĩnh vực du lịch, có kết cấu hạ tầng, lao động và an sinh xã hội gắn với nhu cầu phục hồi của ngành. Khuyến khích phục hồi du lịch nội địa ngay vào đầu năm 2022, gắn với lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Triển khai chứng nhận, hộ chiếu vaccine. Thu hút lao động du lịch trở lại làm việc, đào tạo nhân viên du lịch phục vụ trong điều kiện thích ứng an toàn. Tăng cường xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch. Phát triển sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu thế hiện nay. Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực du lịch.
Về các giải pháp dài hạn để phát triển du lịch: Tiếp tục hoàn thiện về thể chế, chính sách phát triển du lịch, trong đó tập trung các nội dung: sơ kết 5 năm triển khai Nghị Quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; cập nhật Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030 và các văn bản khác. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch. Huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch. Tăng tỷ lệ chi ngân sách. Nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm. Phát triển thị trường chứng khoán gắn với hỗ trợ huy động tài chính cho ngành du lịch.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong du lịch. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp, đồng bộ cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống số hóa dữ liệu quốc gia về du lịch, hệ thống thông tin số về du lịch, thị trường du lịch. Xây dựng dự án phát triển du lịch thông minh, trong đó cần nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển các hình thức du lịch không chạm, du lịch thông qua thực tế ảo.
Phát triển triển thị trường và các sản phẩm du lịch. Quản lý điểm đến và tăng cường trải nghiệm khách hàng. Tiếp tục đa dạng hóa thị trường du lịch; phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Bảo tồn và phát triển môi trường du lịch bền vững. Đổi mới phương thức quảng bá du lịch; xây dựng, định vị hình ảnh du lịch Việt Nam gắn với các phương châm hành động như hiện nay là “Sống trọn vẹn ở Việt Nam”. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin tiếp thu ý kiến của các đại biểu và chỉ đạo tổng hợp, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ những chính sách, cơ chế và giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục hồi và phát triển du lịch trong những năm sắp tới.
Cụ thể, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có các quy định hướng dẫn cụ thể về bảo đảm an toàn dịch bệnh của ngành du lịch. Thúc đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine để tăng độ phủ vaccine trong nước, đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch và các thành phố lớn.
Đề nghị Quốc hội nghiên cứu các nội dung kiến nghị để xem xét, thảo luận về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét bổ sung các nội dung liên quan tới phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023, trong đó coi du lịch là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng để sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành du lịch.
Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu các đề xuất, kiến nghị tại Hội thảo, sớm hoàn thiện và tham mưu trình Chính phủ ban hành Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026, trong đó có kế thừa cấu phần trong Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023; Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét bổ sung nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch vào Chiến lược chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2030, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số tới năm 2025, định hướng tới 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chức năng và các địa phương thực hiện sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Luật Du lịch để đề xuất triển khai thực hiện Luật Du lịch trong bối cảnh mới.