Theo ông Vương Ánh Dương, liên quan đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong kỳ thi, Bộ Y tế đã có Công văn gửi tới tất cả Sở Y tế và Ban quản lý an toàn thực phẩm của các tỉnh. Trong đó, đã có những nội dung hướng dẫn rất cụ thể với các đơn vị liên quan.
Ông Dương thông tin, trước khi kỳ thi diễn ra, cán bộ của các Ban quản lý an toàn thực phẩm sẽ đi kiểm tra tại các nhà hàng, quán ăn xung quanh điểm thi - nơi dự kiến thí sinh sẽ đến ăn trưa hay ăn tối, giúp đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm.
Đồng thời, các Ban quản lý an toàn thực phẩm cũng có thể bố trí một đội trực hoặc thường trực 3 - 5 người, sẵn sàng xử trí nếu có trường hợp ngộ độc xảy ra.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đơn vị này đã yêu cầu các Sở Y tế phải xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác y tế phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm còn bảo đảm cấp cứu y tế, cấp cứu thảm họa, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Bên cạnh đó, đề nghị các Sở Y tế thực hiện biện pháp phòng, chống dịch chủ động trong thời gian tổ chức kỳ thi; thành lập các đội cơ động chống dịch, sẵn sàng triển khai các biện pháp để ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.
Xuyên suốt thời gian diễn ra kỳ thi, các bệnh viện sẽ chuẩn bị sẵn sàng từ 5 - 10 giường bệnh và bảo đảm cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu để sẵn sàng tiếp nhận cấp cứu bệnh nhân.
Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng đã đề nghị các Sở Y tế phối hợp với Sở GD-ĐT để tích cực kiểm tra công tác chuẩn bị cũng như công tác bảo đảm y tế trong kỳ thi.
Ông Dương đề nghị các địa phương bố trí địa điểm phòng trực y tế phải đảm bảo gần khu vực cổng trường và Hội đồng thi để trong những trường hợp bất thường có thể liên hệ, triển khai cấp cứu được ngay.
“Qua kiểm tra, tôi thấy rất nhiều điểm thi bố trí phòng này quá sâu và quá xa so với cổng trường. Trong khi đó những tình huống cấp cứu lại thường xảy ra ở ngay khu vực cổng trường, khi thí sinh đến thi hay khi thí sinh ra về”, ông Dương nói.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị ngoài bố trí đội ngũ cán bộ y tế của trường, nên bố trí thêm đội ngũ y tế thường trực của trung tâm y tế hoặc các bệnh viện địa phương cùng phối hợp. Đặc biệt, cần có xe cứu thương thường trực.
“Nếu như bố trí được 1 xe cứu thương cho 1 điểm thi là tốt nhất. Trong trường hợp không sắp xếp được 1 xe cứu thương cho 1 điểm thi, chúng ta bố trí 1 xe cứu thương chạy 2-3 điểm thi, nhưng phải đảm bảo khoảng cách giữa các điểm thi là gần nhất, để xe có thể tiếp cận được bệnh nhân trong vòng 5 - 10 phút. Đồng thời, cần lưu ý đảm bảo về cơ số thuốc cũng như vật tư”, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ông cũng lưu ý thêm, dù trong thời điểm hiện nay Bộ Y tế đang đề xuất làm thủ tục chuyển đổi Covid-19 từ bệnh bệnh truyền nhiễm nhóm A xuống nhóm B, tuy nhiên, chúng ta vẫn phải bảo đảm những phương án tối thiểu nhất để có thể phòng, chống được dịch Covid-19. Bởi nếu như có một vài thí sinh trong quá trình thi mắc bệnh, có thể có nguy cơ ảnh hưởng lan tràn ra rất đông thí sinh.
“Chúng tôi đã đưa ra những nội dung hướng dẫn cơ bản nhất cho công tác này. Vẫn phải có phòng dịch, giám sát dịch một cách chủ động.
Trong trường hợp phát hiện được thí sinh hoặc người nhà hay cán bộ coi thi có những dấu hiệu liên quan đến bệnh Covid-19, cần báo cho Chủ tịch Hội đồng thi và đội ngũ y tế để tổ chức xét nghiệm chủ động bằng test nhanh. Trường hợp kết quả âm tính hay dương tính, tùy từng tình trạng sức khỏe mà chúng ta đưa ra các hướng xử lý”, ông Dương cho hay.