![]() Lớp học do Shu tổ chức |
Thành lập từ năm 2009, Sapa o’Chau thu hút hàng trăm lượt khách du lịch tham quan mỗi năm, có gần 80 em nhỏ đủ lứa tuổi đã trải qua các khóa học cơ bản về tiếng Anh, tiếng Việt, học nghề dệt thổ cẩm và nhiều em sau khi trải qua những buổi học hướng nghiệp, được hỗ trợ trở lại trường học hoặc đi học nghề. Với những hoạt động ấn tượng này, Sapa o’Chau được đánh giá là mô hình du lịch và hướng nghiệp táo bạo và nghị lực…
Khi nói đến thành công của Sapa o’Chau tất cả những vị khách đến Sapa yêu thích ngôi nhà du lịch này đều không quên nhắc đến vị chủ nhân của nó, cô gái nhỏ người dân tộc H’mông Tẩn Thị Shu. Sinh năm 1986, trong một gia đình có 4 anh chị em. Cũng như nhiều gia đình khác ở thị trấn Sapa, gia đình Shu hết sức khó khăn, từ nhỏ cô đã phải theo mẹ đi kiếm sống bằng những gánh hàng rong bán hàng thổ cẩm và dẫn khách du lịch tham quan, khám phá Sapa. Từ chỗ không biết một chữ tiếng Anh, cùng với tiếng Kinh bập bẹ, qua việc tiếp xúc với nhiều vị khách nước ngoài, chịu khó học hỏi hiện Shu nói tiếng Anh, tiếng Pháp rất thành thạo, giao tiếp tự tin, chuyên nghiệp. Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch tự do, Shu được tham gia khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng làm du lịch do Tổ chức Phát triển du lịch Hà Lan (SNV) và Sở VH-TT và DL Lào Cai tổ chức.
Khi đã có kỹ năng và kiến thức về hoạt động du lịch, Tẩn Thị Shu bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch lớn đó là thành lập ngôi nhà du lịch homestay tại Lao Chải. Ngôi nhà du lịch là nơi kinh doanh những món ăn, sản phẩm thủ công truyền thống của Sapa, đồng thời là nơi hướng nghiệp tại bản để các em nhỏ có thể xóa mù chữ, tự tay làm ra sản phẩm thổ cẩm, giới thiệu đặc sản của Sapa và phục vụ khách du lịch...
Ban đầu, lớp học của Shu chỉ có vài em học sinh, cơ sở vật chất chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế, bảng tự tạo. Từ khó khăn, chật vật, nhờ sự trợ giúp từ khách du lịch, bạn bè cùng với kinh nghiệm làm hướng dẫn viên du lịch, sự thông hiểu phong tục, nếp sống của đồng bào, Tẩn Thu Shu từng bước đưa Sapa o’Chau đi vào ổn định, kinh doanh thuận lợi, trở địa chỉ du lịch homestay ấn tượng tại Sapa, đồng thời thu hút được nhiều trẻ em nghèo tham gia học chữ, học nghề…
Để du khách biết đến Sapa o’Chau nhiều hơn, Shu tuyên truyền, quảng bá ngôi nhà du lịch của mình bằng những tờ gấp, tờ rơi, xây dựng cả website để giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương. Tính chuyên nghiệp trong cách làm dịch vụ và việc khéo léo khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình đã biến Sapa o’Chau trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn khách tham quan.
Không dừng lại ở những kế hoạch, sự lo toan cho Sapa o’Chau phát triển, Shu còn được nhiều người yêu mến, cảm phục bởi những sự năng nổ trong công tác xã hội. Bằng nguồn kinh phí của Sapa o’Chau, Shu thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ quần áo, thực phẩm cho các trường, lớp thôn bản. Sapa o’Chau đã hỗ trợ Trường Mầm non Lao Chải gần 30 triệu đồng xây mới sân trường và cổng trường, tổ chức bữa ăn dinh dưỡng và tặng 140 chiếc áo ấm cho học sinh của trường.
Mong muốn lớn nhất hiện nay của Shu là Sapa o’Chau sẽ được hợp thức hóa thành một tổ chức có giấy phép hoạt động rõ ràng và chủ động, để có thể phát triển thuận lợi hơn, để người lao động nghèo thôn bản có việc làm, biết cách làm du lịch, còn các em nhỏ được học chữ. Được biết, SNV đã có kế hoạch giúp Sapa o’Chau về vấn đề này. Họ thật sự quan tâm vì đây là một mô hình hay, hướng đến phát triển du lịch có trách nhiệm với xã hội.