Ra đời năm 1948, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thể hiện dưới hình thức các Phái bộ được Liên Hợp Quốc cử đến các khu vực đã tạm dừng xung đột hoặc đã có thỏa thuận hòa bình, để gìn giữ hòa bình tại các khu vực này. Đây là một cơ chế đặc biệt trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc dựa vào nguồn lực và lực lượng do các nước thành viên đóng góp.
Là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Từ tháng 6.2014, Việt Nam chính thức cử lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Qua đó, thể hiện Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; nâng cao hơn nữa uy tín, vị thế của Việt Nam và đóng góp vào chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời bình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc thời gian qua đã phát sinh những hạn chế, bất cập xuất phát chủ yếu từ việc thiếu cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý chưa đầy đủ.
Trong bối cảnh như vậy, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Hoàn thiện hành lang pháp lý về việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, nhằm tiếp tục nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam”.
Tọa đàm là cơ hội quý báu để chúng ta cùng nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá những thành tựu, thách thức sau 10 năm Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Những ý kiến đóng góp tại tọa đàm sẽ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng, hữu ích đối với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng như cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo để xây dựng và ban hành Luật bảo đảm chất lượng cao nhất.
Dự kiến, Luật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5.2025 và sẽ được xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 10.2025. Với hành lang pháp lý vững chắc, Việt Nam tiếp tục đóng góp hiệu quả hơn cho các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; qua đó, tiếp tục khẳng định và nâng cao hơn nữa vai trò, uy tín và vị thế của mình trên trường quốc tế.