Dự án trên còn gọi là Dự án B4, do Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) và Ban quản lý dự án Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu thị xã Vĩnh Châu đồng tổ chức.
Dự án B4 được Bộ Khí hậu, Môi trường và Năng lượng Cộng hòa Áo thông qua Tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid Việt Nam (ActionAid) tài trợ và được Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) phối hợp với UBND thị xã Vĩnh Châu thực hiện. Dự án được khởi động từ tháng 6.2022 đến 11.2024 tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Dự án được xây dựng dựa trên những kinh nghiệm và thành công của AFV trong công tác trao quyền cho các nhóm dễ bị tổn thương, cũng như thành tựu của AFV trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai, cứu trợ khẩn cấp, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại buổi tổng kết, nhiều đại biểu và chuyên gia, người dân đã đúc rút đưa ra được nhiều bài học hay, kinh nghiệm quý. Trong đó, nổi bật là những kết quả đáng mừng sau ba năm thực hiện, đã có 105 ha rừng được trồng mới tại 3 xã Dự án, tỷ lệ sống của cây con tăng từ 60% lên mức 95% , số vụ vi phạm lâm luật giảm 85,7%. Đã có 1400 hộ gia đình tại 3 xã Dự án được tiếp cận rừng ngập mặn hợp pháp ngắn hạn là 1 năm và hiện đang chờ đợi UBND tỉnh phê duyệt phương án giao khoán lâu dài cho các mục đích sinh kế bền vững. So với trước đây, thu nhập bình quân của các hộ gia đình tham gia các mô hình sinh kế tăng 40%,tỷ lệ hấp thụ các bon của rừng ngập mặn tăng 22,8%. Phương pháp đo đếm, đánh giá trữ lượng các-bon rừng ngập mặn từ hoạt động của Dự án đã đóng góp cho việc xây dựng sổ tay hướng dẫn xác định sinh khối và trữ lượng các-bon rừng ngập mặn, được Cục Lâm nghiệp ban hành để sử dụng chung cho toàn quốc tại quyết định số 316/QĐ-LN-SXLN ngày 19.10.2024.
Từ những kết qủa đáng mừng trên, cho thấy đạt được là do cộng đồng đã nâng cao nhận thức cũng như năng lực trong công tác trồng rừng, bảo vệ rừng một cách bài bản và có trách nhiệm. Và từ đó, chính cộng đồng cũng được hưởng những lợi ích rất thiết thực và ngọt ngào mà rừng đã mang lại cho họ thông qua các mô hình sinh kế thành công như nuôi ong, các sản phẩm đặc sản của địa phương từ sản vật của rừng như mắm tép, muối ba khía, khô cá, khô tôm… giúp cộng đồng cải thiện sinh kế, từ đó thêm yêu rừng, gắn bó với rừng.