
Quần thể rạn san hô nằm trải dài hơn 2.000 km dọc theo bờ biển Queensland đến tận Papua New Guinea, gồm khoảng 2900 rạn san hô cá thể với đủ loại hình thù và kích cỡ bao trùm lên diện tích khoảng 20.000km2, trong đó có 760 rạn san hô đính tua có kích thước khổng lồ, tạo thành một “biển san hô” trù phú. Ngoài ra, trong khu vực quần thể còn có khoảng 600 đảo, trong đó có nhiều rừng cao chót vót, những dòng suối nước ngọt và khoảng 300 cồn san hô và các cồn cát. Sự hòa quyện giữa núi non hiểm trở với thảm thực vật dày đặc, đa dạng và các rạn san hô diềm san sát nhau tạo nên cảnh quan ngoạn mục nhất trên Trái đất.

Với diện tích vô cùng rộng lớn, Great Barrier Reef là cấu trúc sinh vật sống duy nhất trên thế giới có thể nhìn thấy từ không gian vũ trụ. Đây là “bộ sưu tập” các các loại san hô có một không hai trên thế giới, với khoảng 400 loài. Ngoài san hô, hệ động vật cũng đa dạng và phong phú không kém, bao gồm 1.500 loài cá, 5.000 loại động vật thân mềm và hơn 175 loài chim, cộng với sự đa dạng tuyệt vời của bọt biển, cỏ chân ngỗng, giun biển và động vật giáp xác.... Có ít nhất 15 loại tảo biển sinh sôi trên toàn khu vực rạn san hô hình thành nên một “cánh đồng” tảo biển rộng mênh mông, xanh mướt trên khoảng diện tích hơn 3.000km. Tảo biển là thành phần quan trọng trong quá trình hình thành các rạn san hô và là nguồn thức ăn cho động vật ăn cỏ như rùa, cá...
San hô được hình thành từ hàng ngàn các cá thể polyp có cấu tạo gen giống nhau. Chúng liên kết với nhau tạo thành những cụm san hô với nhiều hình thù khác nhau: hình nấm, hình não bộ, hình cây, bông hoa, cái ô, hay hình sừng hươu. Hình dạng và cấu trúc của các rạn san hô cá thể vô cùng đa dạng, chúng được chia ra thành hai loại chính là mảng san hô và tường san hô. Mảng san hô là các cá thể san hô sinh trưởng và phát triển tỏa ra xung quanh, còn tường san hô phát triển dài ra thường ở những chỗ nước có dòng chảy mạnh. Ngoài ra, còn nhiều loại rạn san hô diềm hình thành trên đá ngầm của bờ biển đảo lục địa. Sắc màu của san hô vô cùng sống động như những vườn hoa rực rỡ khoe sắc dưới nước.
![]() | ![]() |
![]() | ![]() |
Great Barrier Reef là nơi cung cấp thức ăn chính cho loài cá nược (dugong), loài thú quý hiếm thuộc bộ lợn biển và là nơi cư trú và sinh sản của hai loài rùa biển quý hiếm là rùa biển xanh và rùa caretta. Đây còn là nơi sinh sản quan trọng đối với loài cá voi lưng gù nổi tiếng. Rạn san hô khổng lồ này có tầm quan trọng về lịch sử, văn hóa đối với thổ dân và người dân sống ở những khu vực ven biển đảo Torres Strait. Nó cũng là sự kết nối tinh thần mạnh mẽ giữa đại dương và con người. Năm 1981, Rạn san hô Great Barrier Reef được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.