Việc giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Vũ Huy Khánh (Bình Dương) cho rằng, đây là điểm nóng nhất mà Chính phủ đề xuất để sửa đổi Luật nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, nhất là những khái niệm liên quan đến phân loại vũ khí.
Trong Luật hiện hành, các quy định về phân loại vũ khí vẫn còn khá phức tạp, trong đó "vũ khí quân dụng" cơ bản được thiết kế theo hướng chủ thể được trang bị như lực lượng vũ trang và số ít gồm các lực lượng kiểm lâm, hải quan… Còn "vũ khí thô sơ" phân loại theo định nghĩa cấu tạo.
Tuy vậy, đại biểu Vũ Huy Khánh nêu thực tế, thời gian gần đây nổi lên tình trạng tội phạm xâm phạm trật tự xã hội sử dụng các công cụ với tính chất là công cụ phạm tội nhưng khi soi chiếu vào Luật, thì những công cụ này không nằm trong nhóm "vũ khí quân dụng", "vũ khí thô sơ". Do vậy, đại biểu Vũ Huy Khánh cho rằng, trong bối cảnh chưa sửa đổi quy định trong Bộ luật Hình sự, cần sớm có cơ chế pháp lý để xử lý thỏa đáng những đối tượng sử dụng công cụ thông thường nhưng có mục đích xâm phạm tính mạng con người.
Theo ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định), hai lực lượng Quân đội và Công an Việt Nam đang thực hiện xây dựng lực lượng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, trong đó có vấn đề nghiên cứu về khoa học trong lực lượng vũ trang. Đại biểu cho rằng, cần có định nghĩa khoa học về "vũ khí quân dụng" để đưa vào dự thảo Luật, bởi cách giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật hiện mới chỉ là biện pháp kiểm kê mà chưa có một định nghĩa khái quát khái niệm như thế nào là "vũ khí quân dụng", như thế nào là "vũ khí thô sơ"?
Dẫn số liệu trong báo cáo của Bộ Công an về việc súng tự chế gây án gấp 6 lần số vụ và 5 lần số đối tượng so với sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, những loại vũ khí tự chế này xảy ra phổ biến trước đây thì lại bị xếp vào vũ khí quân dụng. Cùng với đó, những tiêu chí để vũ khí tự chế bị xếp vào vũ khí quân dụng vẫn chưa đủ thuyết phục và không lý giải được tận gốc về cơ sở khoa học và cơ sở pháp lý hoặc lý thuyết về vũ khí quân dụng để xếp loại súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng.
“Đặc biệt, vũ khí quân dụng được sản xuất theo quy trình của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và mục đích sử dụng cho lực lượng vũ trang, nhưng đây là vũ khí tự chế của người dân sử dụng cho việc săn bắn hay trang trí nên không liên quan tới quân dụng. Ngoài ra, nếu vũ khí quân dụng phải được trang bị cho lực lượng vũ trang theo Điều 19 của dự thảo Luật, thì những vũ khí tự chế này liệu có trang bị được cho lực lượng vũ trang hay không?”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cũng bày tỏ băn khoăn khi trạng thái vật lý của dao không thay đổi, nhưng khi tấn công con người lại xếp sang vũ khí quân dụng (?). Theo đại biểu, chỉ cần quy định khái niệm "dao có tính sát thương cao" là đủ điều kiện bắt giữ đối tượng.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương) cho biết, liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ thì có loại vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao. Nhưng, hiện dự thảo Luật đang phân biệt theo hướng: khi vũ khí thô sơ có sát thương cao, sử dụng vào việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì theo Bộ luật Hình sự là hung khí, hung khí nguy hiểm. Hung khí nguy hiểm là nói đến khả năng gây sát thương nhưng có khi không phải là vũ khí thô sơ.
Trong dự thảo Luật quy định "khả năng gây sát thương", chứ không phải "gây sát thương". Hay trong tình huống xô xát nhau mà không sử dụng vũ khí gây ra thương tích khoảng 10% thì không có tội; nhưng, dùng "viên đá" đập gây thương tích 5-7% thì sẽ lại là "tội cố ý gây thương tích”. Dẫn ví dụ cụ thể, đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, cần xác định hung khí này là "hung khí có khả năng để gây ra sát thương chứ không phải hậu quả của nó", bởi "có khi dao rất ngắn nhưng lại gây ra sát thương".