Đây là nhấn mạnh của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại Hội nghị tổng kết công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 vừa được tổ chức trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện và 177 điểm cầu cấp xã trên địa bàn.
Ước tính thiệt hại về tài sản khoảng 24.223 tỷ đồng
Bão số 3 được nhận định là siêu bão chưa từng có, đổ bộ vào Quảng Ninh trong thời gian qua. Tâm bão đi thẳng vào vùng biển và đất liền của tỉnh nên dù đã nắm bắt để chủ động ứng phó song địa phương vẫn phải hứng chịu thiệt hại rất nặng nề (bằng 1/2 thiệt hại của cả nước). Theo thống kê mới nhất, bão số 3 đã làm 29 người chết; 1.609 người bị thương; 4 người mất liên lạc...; thiệt hại về tài sản toàn tỉnh ước tính khoảng 24.223 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Hạ Long chịu thiệt hại nặng nề nhất, khoảng 8.765,1 tỷ đồng; huyện Vân Đồn thiệt hại khoảng 3.693,5 tỷ đồng; thành phố Uông Bí khoảng 3.200 tỷ đồng; thị xã Quảng Yên khoảng 2.305,8 tỷ đồng; thị xã Đông Triều 2.219.9 tỷ đồng; thành phố Cẩm Phả khoảng 1.127 tỷ đồng...
Qua thực tiễn diễn biến và công tác chỉ đạo, ứng phó khắc phục thiệt hại của bão và hoàn lưu bão gây ra, nhiều bài học kinh nghiệm đã được các đại biểu chỉ ra tại hội nghị. Đó là phải liên tục bảo đảm từ sớm, từ xa, phòng từ khi chưa có nguy cơ; phải luôn rà soát, phát hiện các khâu cần quan tâm củng cố; đề cao tinh thần cảnh giác, không chủ quan; không mất bình tĩnh trước các tình huống; quán triệt và tổ chức phòng, chống, ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, “đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trước hết, trên hết”... Cùng với đó, huy động được sự vào cuộc; đề cao yếu tố tinh thần, phát huy truyền thống cao đẹp của người Quảng Ninh, đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp vượt qua khó khăn, thách thức.
Chia sẻ kinh nghiệm và những bài học rút ra từ thực tiễn địa phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết, nhiều vấn đề cấp bách trong công tác dự báo, ứng phó với thiên tai trong thời gian tới. Trong đó, cần nghiên cứu lắp đặt các hệ thống cảnh báo, báo động khi có thiên tai ở từng khu dân cư hoặc từng địa phương cấp huyện và có hệ thống thông tin liên lạc dự phòng trong trường hợp giao thông bị chia cắt, mất điện, mạng viễn thông bị tê liệt…
Trong khi đó, dẫn chứng thực tế từ những thiệt hại của ngành nông nghiệp với hơn 2.600 cơ sở nuôi trồng thủy sản, hơn 7.600ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập úng, gần 389 nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi và gần 97 nghìn ha rừng trồng bị gãy đổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Sơn đề xuất, công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng phải triển khai đồng bộ, gắn liền với công tác phòng, chống thiên tai và các tình huống thiên tai, biến đổi khí hậu. Về phía các bộ, ngành cần nghiên cứu, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp với siêu bão và biến đổi khí hậu, tác động của nước biển dâng; rà soát hệ thống sông, suối có giải pháp thanh thải dòng chảy bảo đảm tiêu thoát lũ; xây dựng phương án sửa chữa, nâng cấp, gia cố hệ thống đê, hồ, đập, hệ thống khu neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu thuyền…
Phát huy nội lực để tái thiết, ổn định cuộc sống
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trịnh Thị Minh Thanh ghi nhận, biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị toàn tỉnh, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp, Nhân dân và sự hỗ trợ các cơ quan, đơn vị Trung ương; sự hỗ trợ lớn của ngành điện, nước, viễn thông các tỉnh bạn giúp Quảng Ninh sớm khôi phục lại hệ thống điện lưới, thông tin liên lạc, nước sinh hoạt. “Đến nay, con số thống kê về thiệt hại do bão số 3 chưa phải là con số cuối cùng và lãnh đạo tỉnh mong muốn toàn thể Nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp sẽ phát huy nội lực để tái thiết, từng bước ổn định toàn diện cuộc sống”, bà Trịnh Thị Minh Thanh nói.
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh, cần khẩn trương hoàn tất đánh giá thiệt hại của bão số 3; làm rõ bức tranh tổng thể thiệt hại toàn tỉnh, phản ánh tổng quan từng địa phương, ngành, lĩnh vực. Qua đó, vừa làm căn cứ cho các quyết sách về kinh tế - xã hội, kế hoạch khắc phục, tái thiết sau bão, vừa làm cơ sở để giải quyết các chính sách.
Các ngành phải tập tham mưu cho tỉnh các đề xuất với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương về sửa đổi các tiêu chuẩn, quy phạm thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm tập trung đầu tư một số công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ đối với các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão và mở rộng đối tượng hỗ trợ là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản, thủy sản; chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu cho khoanh, giãn nợ theo hướng được áp dụng đối với ngành du lịch, dịch vụ, thương mại, công nghiệp; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ sản xuất bị thiệt hại nặng nề bởi bão được vay vốn...
Với quyết tâm đi lên từ gian khó, phát huy tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm", Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy nhấn mạnh: Tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công tác để xây dựng Đề án “Khôi phục tái thiết lại tỉnh Quảng Ninh sau bão” với quyết tâm cao nhất là phát triển hơn sau bão. Đặc biệt, là khắc phục được những điểm yếu, phát huy được thế mạnh, phấn đấu giữ vững tăng trưởng trên 10% năm 2024, là năm thứ 10 liên tiếp, đạt một thập kỷ tăng trưởng 2 con số.