Sau khi rà soát, đối chiếu quy định tại Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội và chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 599/UBTVQH15-CTĐB ngày 21.8.2023, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Tờ trình danh sách 27 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu được lấy phiếu tín nhiệm.
Các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm gồm: Chủ tịch HĐND tỉnh, các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các Trưởng Ban HĐND tỉnh; Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các Ủy viên UBND tỉnh.
Trong phiên làm việc đã có 61 đại biểu HĐND tham gia bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
Kết quả bỏ phiếu cho thấy, trong số 27 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy (thời điểm lấy phiếu là quyền Chủ tịch UBND tỉnh) đều đạt 61/61 phiếu tín nhiệm cao (đạt 100%).
Ngoài Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh, những người không có phiếu tín nhiệm thấp còn có: Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Huệ; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khuất Thành Dư; Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phạm Hồng Biên; Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện; Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hoàng Quang Hải; Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Hoài Sơn; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Minh Sơn; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thúy; Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn.
Điều hành các nội dung về công tác lấy phiếu tín nhiệm tại phiên họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu là thực hiện quyền giám sát của HĐND về vấn đề nhân sự được Quốc hội quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Mục đích của công tác lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước; góp phần đánh giá uy tín và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, giúp họ thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác. Đây sẽ là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ.
Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm phải thực chất, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, thực hiện nghiêm túc quy định của Quốc hội, trình tự các bước thực hiện đảm bảo minh bạch, khách quan, dân chủ, bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND; quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm.