Phù hợp thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách
Tại Kỳ họp thứ 13 diễn ra ngày 30.3, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIV thống nhất rất cao việc thông qua Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025 với nhiều vượt trội. Trong đó, mức chuẩn nghèo của tỉnh cao hơn khoảng 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo quy định của Chính phủ.
Đồng thời, nhấn mạnh việc xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh theo hướng cao hơn mức chuẩn nghèo của Chính phủ là cần thiết, đúng thẩm quyền và phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.
Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đối với dự thảo nghị quyết trước đó cũng nhấn mạnh: Đây là bước cụ thể hóa quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đời sống, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về mức sống của Nhân dân giữa các vùng, miền trong tỉnh; làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sông của người dân trên địa bàn tỉnh, thực hiện hiệu quả mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của nghị quyết này là quy định về tiêu chí đo lường đa chiều; chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 - 2025. Đối tượng áp dụng là hộ gia đình thường trú trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân tham gia công tác giảm nghèo và an sinh xã hội.
Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2023 - 2025 gồm: Về tiêu chí thu nhập tại khu vực thành thị là 2,6 triệu đồng/người/ tháng, ở khu vực nông thôn là 2,1 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức chuẩn nghèo cao hơn khoảng 1,4 lần so với quy định của Chính phủ hiện nay.
Về tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản; dịch vụ xã hội cơ bản, chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và người thiếu hụt đưa ra trong nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Ninh là áp dụng theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, ngày 27.1.2021 của Chính phủ Quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Cụ thể, chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2023 – 2025 áp dụng theo nghị quyết ở khu vực thành thị là các hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên. Đối với khu vực nông thôn, có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên.
Đối với hộ cận nghèo, tại khu vực thành thị, hộ cận nghèo là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,6 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Đối với khu vực nông thôn, là hộ có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2,1 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội...
Tạo chuyển biến thực chất về chất lượng đời sống người dân
Như vậy, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh, đối tượng thụ hưởng chính sách sẽ được mở rộng. Ngoài 2.712 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.888 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo các đại biểu HĐND tỉnh, việc nâng chuẩn nghèo mới, ngoài đối tượng được nâng lên thì trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền phải được nâng lên. Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan cần tiếp hành rà soát các tiêu chí đo lường đa chiều, chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo, xây dựng lộ trình giảm nghèo phù hợp. Đồng thời, đánh giá rõ các tác động của việc nâng chuẩn nghèo đến các chính sách khác có liên quan và kinh phí thực hiện các chính sách để bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách địa phương giai đoạn 2023 - 2025.
Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh: Mọi quyết sách của tỉnh, hoạt động của các cơ quan Nhà nước đều vì lợi ích Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. “Việc HĐND tỉnh quyết nghị ban hành Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, đánh dấu cột mốc phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, ông Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký cũng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở phải tích cực, chủ động hơn nữa trong cụ thể hóa, nhất là cấp xã, cấp huyện, phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tạo được chuyển biến thực chất về nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân. Nhất là thực hiện nghị quyết mới được HĐND tỉnh thông qua, với những tiêu chí cơ bản là người dân được sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa, phát triển.
Dự kiến giai đoạn 2023 - 2025, theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 1.400 hộ nghèo (tỷ lệ 0,36%); 5.200 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,34 %) tổng số hộ dân toàn tỉnh. Đến hết năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo, 4.600 hộ cận nghèo. Qua đó, còn khoảng 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (dưới 0,5%) theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.