Tiến tới thị trường carbon công khai, minh bạch, hiệu quả
Tại phiên chất vấn, nhiều vấn đề liên quan đến ngành nông nghiệp nhận được sự quan tâm của đại biểu như: hoạt động mua bán tín chỉ carbon; việc chi trả nguồn thu cho các chủ rừng... Cụ thể, dựa trên Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon) và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD). Từ đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Trung ương sẽ nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ Carbon thông qua IBRD, sau đó điều phối 49,698 triệu USD đến các tỉnh theo quy định.
Trong chương trình thí điểm, Quảng Bình sẽ chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2023 - 2025 và được phân bổ khoảng 235 tỷ đồng. Kết quả nguồn thu từ tín chỉ carbon năm 2023 của tỉnh là 82,4 tỷ đồng; là địa phương có nguồn thu cao thứ 2 trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ. Từ nguồn phân bổ, 10 tỷ đồng sẽ chi trả cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng; 58,4 tỷ đồng chi trả cho chủ rừng là tổ chức và 11,6 tỷ đồng chi trả cho các UBDN các xã.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Mai Văn Minh cho biết: trong thời gian tới, để khai thác tiềm năng tạo tín chỉ carbon rừng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng, ngành nông nghiệp Quảng Bình sẽ đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính, từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng mới trên địa bàn theo tiêu chuẩn quốc tế về tạo tín chỉ carbon. Trong đó, bảo đảm tiêu chí rừng được trồng trên đất không có rừng trong 10 năm trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở sẽ làm việc với một số công ty, đối tác quan tâm đến tiềm năng thị trường carbon của địa phương, để thúc đẩy hợp tác trong việc nghiên cứu, đánh giá khả thi phát triển dự án tín chỉ carbon rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, góp phần khai thác tiềm năng tạo tín chỉ carbon rừng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường mới này.
Trong nội dung trả lời chất vấn thuộc lĩnh vực phụ trách, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm liên quan đến công tác chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024; đầu tư tuyến kè chống sạt lở tại xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Gỡ “điểm nghẽn” phát triển
Cũng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, vấn đề còn tồn đọng liên quan đến vướng mắc trong công tác đấu nối với các tuyến đường BOT tiếp tục được đại biểu phản ánh. Trên địa bàn tỉnh, ngoài Dự án Đường nối từ Quốc lộ 1 đến quảng trường biển xã Ngư Thủy Bắc, Dự án Đường từ cầu Nhật Lệ II đến đường tránh TP. Đồng Hới (thuộc Dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP. Đồng Hới) cũng gặp vướng mắc về thủ tục đấu nối vào đường Quốc lộ 1.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Phạm Văn Năm thông tin, Bộ Giao thông - Vận tải có phản hồi với tỉnh về việc đang nghiên cứu ý kiến của cử tri nhằm bổ sung vào Luật Giao thông đường bộ trong thời gian tới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và người dân cũng như địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị có thể kéo dài thời gian thu phí cho nhà đầu tư nhằm bù đắp tình trạng phân lưu, đồng thời kéo dài thời hạn cấp tín dụng, để nhanh chóng xử lý “điểm nghẽn” về giao thông đường bộ, tạo thuận lợi tối đa cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như nguyện vọng của nhân dân.
Các đại biểu cũng quan tâm và chất vấn một số nội dung các vấn đề liên quan đến: chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; chi trả chế độ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên dân số; vướng mắc trong việc đấu nối của các dự án vào tuyến đường BOT tránh Quốc lộ 1; tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; phương án bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán 2024…
Tiếp thu, nỗ lực để đáp ứng kỳ vọng của cử tri, nhân dân
Phát biểu tiếp thu và giải trình sau phiên họp thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng khẳng định: UBND tỉnh sẽ nghiêm túc tiếp thu những nội dung thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; ý kiến chất vấn sâu sắc và thảo luận xác đáng của các đại biểu; kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên thảo luận và phiên chất vấn để bổ sung vào nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong năm 2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, trong năm tới, tỉnh nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, vươn lên phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển KT - XH, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Khái quát lại các nhóm vấn đề đại biểu chất vấn, nội dung trả lời của các sở, ngành, địa phương, trong nội dung kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tọa kỳ họp yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các nội dung đã kết luận. Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao giám sát việc thực hiện các nội dung đã chất vấn.
Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình cũng khẳng định, các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa, tạo những chuyển biến mạnh mẽ trong hành động để từng bước tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân trong điều kiện mới.