Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, Chính phủ đã ban hành 4 Nghị định (Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ngày 09/5/2013; Nghị định số 03/2014/NĐ-CP ngày 16.1.2014; Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12.1.2015 và Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24.10.2018) quy định chi tiết về quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
Ảnh minh họa |
Qua quá trình triển khai thực hiện cho thấy các quy định về quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất trong Bộ luật Lao động và các Nghị định của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn, tạo hành lang pháp lý tương đối rõ ràng, đồng bộ để các bên xác lập và thực hiện các điều kiện lao động trong quan hệ lao động, góp phần tích cực cho việc thúc đẩy phát triển thị trường lao động trong cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy một số quy định vẫn còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, về quản lý lao động, quy định nội dung sổ quản lý lao động còn phức tạp, khó thực hiện; thủ tục khai trình, báo cáo tình hình sử dụng lao động chưa được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lao động.
Về hợp đồng lao động, một số quy định về nội dung hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, về xác định thời gian tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù, về xử lý hợp đồng lao động vô hiệu còn chưa cụ thể, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Về tiền lương, cách tính quy đổi tiền lương tháng, tuần ra tiền lương ngày trong một số trường hợp còn chưa thực sự rõ ràng, đồng nhất với quy định về thời giờ làm việc của người lao động.
Về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, một số quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động còn chưa cụ thể, chưa có quy định về trình tự, thủ tục xử lý trách nhiệm vật chất.
Tại Bộ luật Lao động năm 2019, Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung về: Quản lý lao động (Điều 12); nội dung hợp đồng lao động đối với người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước (khoản 4 Điều 21); thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù (điểm d khoản 1 Điều 35, điểm d khoản 2 Điều 36); trợ cấp thôi việc (Điều 46); trợ cấp mất việc làm (Điều 47); xử lý hợp đồng lao động vô hiệu (Điều 51); hình thức trả lương (Điều 96); tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm (Điều 98); nội quy lao động (Điều 118); trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động (Điều 122); trình tự, thủ tục, thời hiệu xử lý việc bồi thường thiệt hại (khoản 2 Điều 130) và khiếu nại về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất (Điều 131).
Từ thực tế trên, cần thiết phải ban hành Nghị định để quy chi tiết thi hành những nội dung được giao trong Bộ luật Lao động năm 2019 và sửa đổi những bất cập, hạn chế về quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.