Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững
Xác định mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia là bảo đảm an ninh năng lượng, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã nêu rõ quan điểm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Theo Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, việc bảo đảm an ninh năng lượng trên phương diện quốc gia chính là sự duy trì liên tục, ổn định và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng năng lượng với mức giá cả chấp nhận được đối với quốc gia đó. Trong đó, các vấn đề về giá cả và sự đa dạng về nguồn cung cấp là những yếu tố có tính quyết định đến an ninh năng lượng xét trên góc độ lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển năng lượng quốc gia từ năm 2007 đến nay cho thấy, mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức như các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, cơ cấu đang bị mất cân đối, áp lực phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi như tỷ số trữ lượng và sản xuất than, dầu và khí tự nhiên ngày càng giảm; sự phụ thuộc vào nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên ngày càng tăng; tỷ trọng chi phí nhập khẩu than, dầu và khí tự nhiên trong tổng thu nhập quốc nội ngày càng tăng.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hiển, từ năm 2015, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu năng lượng và xu hướng ngày càng tăng nhanh trong dài hạn; các mối đe dọa liên quan đến an ninh năng lượng ngày càng lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng dầu và khí ở một số mỏ lớn sau thời gian dài khai thác đã suy giảm nhanh, việc phát triển mỏ mới trên Biển Đông gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu chiến lược và chính sách cụ thể rõ ràng để bảo đảm khả năng tiếp cận được các nguồn năng lượng có khả năng cung cấp dài hạn, có độ tin cậy cao, giá thành hợp lý; giá năng lượng còn chưa theo cơ chế thị trường; khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế chưa chú trọng đúng mức đến vấn đề cung cấp năng lượng dẫn đến hệ số đàn hồi năng lượng cao…
PVN luôn tích cực góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia |
Nguồn: ITN
Xây dựng cơ chế đặc thù
Theo các chuyên gia, Việt Nam hiện nay mới bắt đầu nghiên cứu có tính tổng thể về bài toán đánh giá mức độ bảo đảm an ninh năng lượng. Song, trong điều kiện hệ thống năng lượng cũng như nền kinh tế có những đặc điểm riêng, cần thiết phải xây dựng cơ sở phương pháp luận và mô hình mô phỏng hệ thống năng lượng với các dấu hiệu phù hợp với điều kiện tự nhiên và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại Diễn đàn An ninh năng lượng cho phát triển bền vững do Bộ Công thương tổ chức mới đây, Trưởng ban Điện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Nguyễn Huy Vượng cho biết, hiện nay có rất nhiều phương pháp đánh giá mức độ bảo đảm an ninh năng lượng được xây dựng bởi các tổ chức và các nước khác nhau, tùy thuộc vào đặc thù của từng quốc gia và vùng lãnh thổ.
Với kinh nghiệm thực tiễn triển khai xây dựng các dự án điện gió tại vùng nước sâu, xa bờ như nguồn nhân lực kỹ thuật cao, công nghệ xây dựng, khả năng thu xếp vốn… Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành nghiên cứu, đưa vào chiến lược đầu tư năng lượng tái tạo và lên kế hoạch triển khai một số dự án về điện gió, điện khí và cả hydro. Các dự án khai thác khí lớn đều đang tích cực triển khai với các nhà máy điện có tổng công suất khoảng 3.000MW, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước.
Khẳng định dầu khí, than và điện là những phân ngành năng lượng trụ cột của nền kinh tế năng lượng Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công thương Ngô Thúy Quỳnh cho rằng, để nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguyên liệu thô trong sản xuất năng lượng, cần phải rà soát, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật về dầu khí, đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế của ngành. Mặt khác, tiếp tục xây dựng cơ chế đặc thù đối với lĩnh vực tìm kiếm thăm dò dầu khí; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế hoạt động về quản trị, tài chính, nguồn lực… phù hợp để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành dầu khí Việt Nam, đặc biệt trong việc gia tăng trữ lượng dầu khí.