Cùng dự cócác Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Giám sát; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Đoàn Giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Phó Trưởng Đoàn Giám sát; các thành viên Đoàn Giám sát, các chuyên gia, khách mời tham gia Đoàn Giám sát.
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng, đề nghị Đà Nẵng tập trung vào 3 vấn đề. Đó là tình hình ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí, đánh giá toàn diện việc quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công, quản lý tài nguyên, sử dụng lao động, tinh giản biên chế, khó khăn vướng mắc trong thí điểm chính quyền đô thị.
Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn 2016 - 2021, khi phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị, địa phương đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo dự toán để tạo nguồn điều chỉnh tiền lương theo số dự toán Bộ Tài chính giao là gần 2,7 nghìn tỷ đồng.
Về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bình quân hàng năm giải ngân đạt 80-90% so với kế hoạch được giao. Thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, năm 2021, Bộ Nội vụ thẩm định đối với Đà Nẵng là hơn 17,4 nghìn chỉ tiêu, giảm hơn 2.300 chỉ tiêu, đạt 11,7%.
Về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, có 81 dự án, khu đất đầu tư đã được gia hạn nhưng sau 24 tháng gia hạn vẫn chưa đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích hơn 1.700km2. Toàn địa bàn còn 326 khu đất lớn với tổng diện tích hơn 2.000km2 còn tồn đọng chưa được sử dụng, xử lý. Trong quá trình thực hiện kết luận thanh tra, bản án liên quan đến đất đai tại Đà Nẵng, có nhiều nội dung chưa thực hiện do vấn đề phát sinh từ thực tiễn, vướng các quy định pháp luật, một số nội dung xuất phát từ lỗi của các cơ quan nhà nước nên cần cẩn nhắc với lợi ích của nhà đầu tư khi thực hiện các kết luận thanh tra.
Đà Nẵng kiến nghị, để quản lý đầu tư xây dựng các dự án, cần thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, tiến hành rà soát cắt giảm 100% số dự án không nằm trong quy hoạch, thu hồi đối với các dự án quá thời hạn không triển khai theo cam kết hoặc giấy phép, tạm dừng hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả thấp, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản.
Các thành viên Đoàn Giám sát đánh giá, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được về triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Đà Nẵng còn nhiều hạn chế, để xảy ra vi phạm, thậm chí vi phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt về đất đai. Nhiều dự án tồn đọng ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, như các dự án ở quận Hải Châu kéo dài hàng chục năm, dự án Làng đại học đã kéo dài 25 năm; nhiều dự án đầu tư công, dự án chuyển tiếp chậm tiến độ, như dự án cảng Liên Chiểu, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi, các dự án tái định cư có nguy cơ gây lãng phí lớn về nguồn lực…
Trước kiến nghị thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư xây dựng các dự án, tiến hành rà soát cắt giảm 100% số dự án không nằm trong quy hoạch, thu hồi đối với các dự án quá thời hạn không triển khai theo cam kết hoặc giấy phép, tạm dừng hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả thấp, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản, các thành viên Đoàn Giám sát cho rằng, Đà Nẵng cần có kế hoạch triển khai nội dung này một cách thực chất để bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, Đà Nẵng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Tổ Công tác và thành viên Đoàn Giám sát cũng như các cơ quan liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, còn nhiều vấn đề Đà Nẵng cần khắc phục, như: chất lượng báo cáo, sự thống nhất về số liệu, cần làm rõ nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, bảo đảm nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng chỉ đạo thực hiện, tiếp tục câp nhật, bổ sung thông tin, số liệu, tài liệu theo đề xuất của Đoàn Giám sát; gửi thông tin báo cáo bổ sung cho Đoàn và phối hợp hoàn thiện những nội dung được yêu cầu. Thành phố cần đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật cụ thể, rõ ràng để cung cấp thông tin cho đoàn giám sát, trong đó tránh trùng lặp, mâu thuẫn giữa đánh giá ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân chủ quan, khách quan, không rõ trách nhiệm của từng cấp. Những vấn đề đã rõ, thuộc phạm vi của thành phố cần chỉ đạo khắc phục ngay, không đợi khi có báo cáo và nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát. Đối với những vướng mắc vượt thẩm quyền, Đoàn Giám sát sẽ báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách, pháp luật và bằng các biện pháp cụ thể.