Tham dự cuộc làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Phó Trưởng đoàn giám sát; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Chương trình thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Bộ, các đơn vị thuộc và trực thuộc, bảo đảm đúng tiến độ về thời gian. Đồng thời xây dựng các Báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định.
Về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, chi thường xuyên hàng năm, cơ bản các khoản thu do Bộ quản lý là học phí (chiếm trên 70%). Ngoài ra hàng năm Bộ được giao chỉ tiêu thu phí từ việc công nhận văn bằng, chứng chỉ khoảng hơn 2 tỷ đồng/năm, trong đó số nộp ngân sách nhà nước khoảng 40%, số được để lại chi trả các khoản phục vụ nguồn thu tại đơn vị khoảng 60% được thực hiện theo quy định. Bộ cũng chủ động tiết kiệm chi thường xuyên, chi hội thảo, tập huấn, công tác phí trong và ngoài nước… theo các Nghị quyết của Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, năm 2020 tiết kiệm được 5,36 tỷ đồng; năm 2021, tiết kiệm được 2,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng chỉ ra, đối với việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ toàn ngành tại Bộ, nhiều nhiệm vụ chưa được tích hợp tối đa về nội dung và theo vùng miền; chưa ưu tiên sử dụng hình thức trực tuyến để tiết giảm chi phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách. Một hạn chế nữa là, “tiến độ thoái vốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chậm, hơn 80% vốn điều lệ (491 tỷ đồng) đang đầu tư vào 40 công ty cổ phần chưa thu hồi được nên toàn bộ vốn để sản xuất sách giáo khoa phải đi vay ngân hàng, làm phát sinh chi phí, lãi vay, tính vào giá thành sách giáo khoa, làm tăng giá sách”.
Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn, nhưng Bộ cần tiếp tục bám sát yêu cầu của Đoàn giám sát, đánh giá mức độ lãng phí, tiết kiệm do tuân thủ Luật Đầu tư công, tuân thủ quy trình thủ tục từ giao kế hoạch đầu tư, giải ngân, thanh toán và quyết toán công trình, dự án. Trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đối với các Chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA giai đoạn 2016 – 2020, kết quả kiểm toán cho thấy: Bộ Giáo dục và Đào tạo không thực hiện việc phê duyệt kế hoạch tổng thể của 23/24 chương trình, dự án dẫn đến không có cơ sở đánh giá tiến độ và so sánh kết quả, mục tiêu đạt được hàng năm so với kế hoạch tổng thể.
Đoàn giám sát đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đánh giá sự lãng phí trong tập huấn giáo dục, đào tạo cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên hàng năm, hiệu quả thu lại từ hoạt động này như thế nào; sự lãng phí trong mở rộng đào tạo bậc đại học, mở nhiều mã ngành mới khi chưa có sự đầu tư tương xứng về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất; lãng phí trong đào tạo bậc tiến sỹ với sự xuất hiện những luận án hàm lượng khoa học và tính dứng dụng thấp. Thất thoát, lãng phí trong mua sắm trang thiết bị trong lĩnh vực giáo dục đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhưng chưa được Bộ đề cập và nhìn nhận trong Báo cáo, đề nghị, bổ sung vấn đề này và nêu rõ trách nhiệm, bài học kinh nghiệm…
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn mang tính chất báo cáo chuyên ngành, chưa quy rõ được tiết kiệm như thế nào, chống lãng phí ra sao. Do vậy, Bộ cần tiếp tục hoàn thiện Báo cáo gửi lại Đoàn giám sát, cập nhật đầy đủ thông tin, số liệu theo đề xuất của Đoàn giám sát. Đặc biệt, phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi cấp học, bậc học.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tiếp tục đánh giá sâu hơn những ưu, khuyết điểm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có đề xuất cụ thể về hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ cần quan tâm chấn chỉnh các vấn đề về: đầu tư công, sử dụng nguồn lực đất đai, chính sách xã hội hóa giáo dục, sách giáo khoa…