Theo ông Phạm Quang Ngọc, trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những chính sách, chiến lược khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực sẵn có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên, cần khơi thông để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo đó, tỉnh đã ban hành các chủ trương, chính sách và chiến lược kịp thời, mang tính đột phá để huy động các nguồn lực vào phát triển du lịch, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, đồng hành với người dân và doanh nghiệp đầu tư triển khai thành công các dự án du lịch sinh thái, dự án bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ du lịch… Do đó, những năm qua, du lịch Ninh Bình có nhiều khởi sắc, làm thay đổi căn bản diện mạo và cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh, đã chuyển đổi các khu vực núi non, canh tác nông nghiệp khó khăn thành các khu vực phát triển du lịch, dần hình thành các điểm đến du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước.
Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều địa phương, ông Phạm Quang Ngọc cho rằng, cần có chính sách thống nhất của Nhà nước để tạo hành lang pháp lý, tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch, nhất là ở các địa bàn khó khăn, nhưng đồng thời cũng giúp cho việc quản lý chặt chẽ các nguồn lực, tài nguyên của đất nước, tránh việc vận dụng, áp dụng mỗi địa phương một kiểu, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Từ thực tế phát triển du lịch địa phương thời gian qua, ông Phạm Quang Ngọc đưa ra một số đề xuất, trước hết, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế, về đầu tư cho các doanh nghiệp có đóng góp trực tiếp cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động du lịch...
Các dự án đầu tư trong thời gian dài, mang lại hiệu quả xã hội tương đối cao, do tạo ra nhiều việc làm, bảo đảm sinh kế cho hàng vạn người, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực phát triển, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và các ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề phát triển do có thể bán trực tiếp cho khách du lịch. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng dành kinh phí đáng kể cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản.
Hơn nữa, hiện nay ở một số địa phương đã hình thành nhiều mô hình quản lý du lịch khá hiệu quả. Tuy nhiên, hành lang pháp lý còn chưa rõ ràng, cụ thể như mô hình hợp tác công tư. Cần sớm có cơ chế, chính sách và quy định hướng dẫn cụ thể về mô hình hợp tác công tư, nhà nước làm gì, doanh nghiệp làm gì, cơ chế điều tiết các nguồn thu như thế nào để bảo đảm lợi ích của các bên.
Cuối cùng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, cần đề cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, trực tiếp là Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong việc xây dựng định hướng chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, quảng bá phát triển thương hiệu du lịch, đồng thời cần quan tâm dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác nghiên cứu thị trường, hoạch địch chiến lược và tổ chức các hoạt động quảng bá quy mô quốc gia ở các thị trường khách quốc tế lớn.
“Chúng tôi cho rằng, vai trò nhạc trưởng của cơ quan quản lý du lịch trung ương là rất quan trọng để dẫn dắt, điều phối các hoạt động du lịch chung của cả nước, làm thế nào để vừa phát huy thế mạnh, tính chủ động, sáng tạo của từng địa phương, nhưng vừa phát huy được sức mạnh tổng thể của cả nước, tránh mỗi nơi mỗi phách, nhất là trọng hoạt động xúc tiến quảng bá ở nước ngoài”, ông Phạm Quang Ngọc nói.