Du lịch Việt Nam đoạt nhiều giải thưởng quốc tế
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, thời gian qua du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2015 đến năm 2018, khách quốc tế tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu lượt và tốc độ tăng trưởng là 25%/năm. Khách nội địa tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lên 80 triệu lượt trong năm 2018, đóng góp 8,4% GDP. Trong 10 tháng năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với mức tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. Những kết quả đó đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
![]() Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội trường |
Ảnh: Q. Khánh |
Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam đã đoạt được nhiều giải thưởng quan trọng trong những năm qua như: Giải thưởng Du lịch hàng đầu châu Á, Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á. Thành phố Hội An được bình chọn là Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á… Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam như Vingroup, SunGoup, FLC, BRG, SaigonTourist, HanoiTourist cũng đã nhận được nhiều giải thưởng du lịch danh giá của thế giới.
“Về năng lực cạnh tranh, từ năm 2015 - 2019, vị trí của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện, trong 2 lần xếp hạng đã tăng lên được 12 bậc trên bảng xếp hạng, đứng thứ 63/140 nước. Các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam như mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam là đến năm 2020 đạt 10 triệu lượt khách thì nay dự kiến tăng gần gấp đôi. Như thế, năm 2019 ngành Du lịch cơ bản thực hiện được Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.
Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm
Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích nhưng du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng chưa cao, sản phẩm chưa phong phú. Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Đó là tiếp tục đổi mới nhận thức về phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, mang tính xã hội hóa cao; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh phối hợp công - tư; ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt là tăng nguồn kinh phí cho Chương trình hành động du lịch quốc gia và Chương trình xúc tiến du lịch quốc gia. “Hiện nay, kinh phí dành cho hai chương trình này rất thấp, chỉ đạt 54 tỷ đồng/năm (tương đương 2,5 triệu USD), thấp hơn nhiều so với Thái Lan khoảng 80 triệu USD/năm)”.
Nhấn mạnh các giải pháp, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, cần tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng nghề cho lao động ngành du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng, dịch vụ du lịch.
“Nhờ công tác xã hội hóa, số lượng buồng, phòng đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao tăng gấp đôi trong 4 năm vừa qua. Ngoài ra, hàng không cũng phát triển mạnh mẽ sau khi có những hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo ra đời với hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm đến, đặc biệt nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đầu tư cơ sở hạ tầng tương xứng với sự phát triển du lịch như sân bay Vân Đồn, cảng Hạ Long… tạo điều kiện cho khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá.
![]() Mặc dù du lịch đã có những kết quả ấn tượng thời gian qua, song thành tựu đó chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn của đất nước và nguồn lực dồi dào trong dân. Kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân vào sự phát triển của ngành du lịch rất lớn. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra những mục tiêu cao, đồng thời là thách thức lớn với ngành du lịch. Để đạt được những mục tiêu đó, cần thẳng thắn, mạnh dạn hơn, phản biện nhằm chỉ ra những nguyên nhân, trở ngại lớn đối với ngành du lịch nước nhà. Theo tôi, nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa coi du Lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Du lịch cần phát triển theo đúng bản chất của ngành kinh tế vận hành theo những quy luật kinh tế thị trường. Đã là ngành kinh tế phải được chỉ đạo, điều hành theo tư duy, phương pháp của khoa học kinh tế. Nguyên nhân tiếp theo là hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập, hạn chế. Du lịch chưa được đặt đúng vào vị trí cần có và tương xứng với vai trò khách quan của một ngành kinh tế mũi nhọn. Sự phối hợp liên vùng, liên ngành hiệu quả còn thấp, thiếu vai trò nhạc trưởng điều phối chung. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng phong phú. Ngành du lịch hiện chủ yếu khai thác tài nguyên thiên nhiên vốn sẵn có trong cộng đồng; thiếu những sản phẩm nổi trội, chất lượng có khả năng cạnh tranh cao với các nước trong khu vực. Ngay lợi thế 3.200km bờ biển chúng ta cũng chưa khai thác hết hiệu quả. Chúng ta cần phải tiến ra biển với các loại hình du lịch biển phong phú cả trên bầu trời, mặt nước, dưới biển. Cần phát triển mạnh các điểm du lịch biển như: Cồn Cỏ, Lý Sơn, Nam Du… phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế biển. Du lịch là một ngành kinh tế sáng tạo, sức mạnh của du lịch nằm ở địa phương và doanh nghiệp. Khi đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là định hướng chiến lược quan trọng của sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, là động lực phát triển các ngành khác thì phải đặt du lịch ở vị trí xứng đáng, trung tâm; có sự đầu tư tương xứng cả về nhân lực lẫn doanh nghiệp. Cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho ngành du lịch, cho địa phương, cho doanh nghiệp; không nên nghĩ rằng dư địa cho ngành du lịch rất lớn, không cần đầu tư thì du lịch vẫn phát triển. Nếu Chính phủ không có những cơ chế, chính sách đột phá mới, không tập trung nguồn lực để tạo điều kiện tối đa cho du lịch, các Bộ, ngành, địa phương không chung tay chung sức, nếu ngành du lịch không có quyết tâm cao gấp 2 - 3 lần hiện nay thì mục tiêu để du lịch đóng góp trên 10% cho GDP, tạo ra 4 triệu việc làm và cơ bản là ngành kinh tế mũi nhọn sẽ khó thực hiện được vào năm 2020. |