Định vị cồn Sơn
Chị Phan Kim Ngân, thường được gọi thân mật là Bảy Muôn, chủ nhiệm Câu lạc bộ Cộng đồng phát triển du lịch cồn Sơn, cho biết, nhờ du lịch đời sống được cải thiện hơn. Nhìn lại chặng đường đã qua, khi các hộ cùng nhau chỉn chu vườn tược, phân công nhau làm một số dịch vụ, tạo việc làm, biết cách đón du khách… đoàn kết, chắt chiu từng gói dịch vụ tạo nên một cái chất rất riêng của đất và người cồn Sơn. Cả xóm thương yêu nhau, đoàn kết, chia sẻ, xem giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn để cồn Sơn trở thành nơi đáng sống. Khi đại dịch qua đi, cộng đồng người dân cồn Sơn âm thầm xây dựng mô hình “cồn Sơn hồi đó”, tái hiện cuộc sống bình yên của dân cù lao.
Khi du lịch dần được hồi phục, người dân cồn Sơn đã sẵn sàng có những khu vườn rau trái tự nhiên, lành sạch, không hóa chất để đón du khách và làm nguyên liệu chế biến thành sản phẩm tham gia chương trình OCOP như vườn ổi Thành Tâm, nước mắm cá đồng, mật ong Bảy Muôn, dưa chuối Năm Phước, mứt bưởi đường Thúy Liễu, nhà vườn Công Minh, nhà vườn Song Khánh quen thuộc với vườn chôm chôm chín đỏ, không gian rộng rãi, thoáng mát và những hiện vật trên 100 năm… sẽ kể lại cho du khách câu chuyện về lối sống, tập tục, lễ giáo, gia phong và những thách thức từ lũ lụt, giông bão của người cồn Sơn.
Tại cồn Sơn cũng có đề án “Xây dựng, khai thác và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng cồn Sơn” do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố chủ trì, định hướng xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể “Du lịch cộng đồng cồn Sơn” để khai thác tối ưu lợi thế tiềm năng du lịch bản địa tại cồn Sơn. Với đề án này, du lịch cồn Sơn sẽ được định vị thương hiệu một cách bài bản qua việc xây dựng nhãn hiệu, nâng chất sản phẩm du lịch cộng đồng cồn Sơn, hướng đến phát triển bền vững.
Tạo nét riêng trong bối cảnh chung
Không chỉ dân cồn Sơn mạnh về du lịch cộng đồng, tại Cần Thơ, loại hình du lịch này cũng phát triển mạnh ở Phong Điền, Thốt Nốt.
Ông Võ Thành Giúp, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại - Du lịch và Quản lý di tích huyện Phong Ðiền, cho biết: “ở Phong Điền có hơn 30 điểm vườn và liên kết phục vụ du lịch. Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là thế mạnh của Phong Điền, trong nhiều năm qua, địa phương luôn tạo điều kiện để các nhà vườn, điểm kinh doanh phát huy loại hình du lịch này theo định hướng xanh, bền vững”. Ngoài Làng du lịch Mỹ Khánh nổi tiếng, du khách có thể ghé thăm các điểm du lịch có các loại trái cây theo mùa, các cơ sở làm bánh thủ công truyền thống. Một trong những điều đáng lo ngại nhất của du lịch là khiến du khách phải đến những điểm du lịch trùng lặp, đi đâu cũng vào vườn cây, hái trái, uống nước dừa, nghe đờn ca tài tử, bơi xuồng, nghịch nước… và những món ăn cũng giống nhau, nên các hộ dân làm du lịch đang cùng ngồi với nhau để tạo nét riêng của mình trong bối cảnh chung của miền sông nước.
Quận Thốt Nốt đang kêu gọi đầu tư nhiều hạng mục tại đây, như: hệ thống bến bãi, nhà trung chuyển, xây dựng các sản phẩm đặc trưng để tập trung phát triển du lịch cộng đồng, trọng tâm là cù lao Tân Lộc, xác định phát triển du lịch Tân Lộc trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đưa Tân Lộc trở thành một trong những điểm đến trải nghiệm sinh thái, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng hấp dẫn của Cần Thơ.
Không gian phát triển du lịch của Tân Lộc được xác định cụ thể như sau: hình thành khu trung tâm dịch vụ du lịch phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin về du lịch cù lao; các điểm trải nghiệm homestay trên các lồng bè cá, các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và cao cấp tại đầu phía Bắc và đầu phía Nam của cù lao. Trong đó, tại khu vực đầu phía Bắc của cù lao phát triển theo mô hình sinh thái, dân dã của làng quê sông nước, còn khu vực phía Nam của cù lao phát triển theo mô hình cao cấp, hiện đại và sang trọng phục vụ khách có mức chi tiêu cao.