Bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật kiến thức, kỹ năng
Chia sẻ tại tọa đàm “Đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo" do Trường Đại học Sư phạm tổ chức sáng 30.5, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo Vũ Minh Đức khẳng định, nhà giáo là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các giá trị xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức. Vì lý do này, nhà giáo cần được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất và năng lực; đồng thời phải cập nhật kiến thức, kỹ năng đáp ứng chuẩn nhà giáo. Việc đào tạo, bồi dưỡng cũng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và yêu cầu của thị trường lao động.
Nhấn mạnh chất lượng giáo dục phụ thuộc nhiều vào năng lực của người thầy, GS. TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn, Luật Nhà giáo phải kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển đội ngũ nhà giáo, trong đó công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng và thường xuyên. Hoạt động bồi dưỡng sẽ giúp nhà giáo phát triển chuyên môn, năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế. Trên tinh thần đó, các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên và giảng viên các trường sư phạm cũng cần đổi mới một cách đồng bộ.
PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, bồi dưỡng nhà giáo cần đặt trong hệ quy chiếu với nhiều yếu tố cần cân nhắc như: giáo viên là học viên người lớn (có kinh nghiệm, ít thời gian, nhiều mối quan tâm…); bồi dưỡng, đào tạo phải đủ liều mới đưa đến thay đổi; kinh phí triển khai bồi dưỡng có hạn... PGS. TS. Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh 5 nguyên tắc hiệu quả trong phát triển chuyên môn của giáo viên, gồm: độ dài thời gian bồi dưỡng phải bảo đảm phù hợp và liên tục; hỗ trợ giáo viên khi họ bắt đầu vận dụng; giới thiệu kiến thức, kỹ năng mới bằng nhiều kỹ thuật, phương pháp dạy học tích cực; làm mẫu là biện pháp hiệu quả nhất giúp giáo viên hiểu về phương pháp dạy học mới; nội dung trình bày cần hết sức cụ thể.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nhà giáo là người nước ngoài
Liên quan đến hợp tác quốc tế đối với nhà giáo, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cho biết, hoạt động này nhằm góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; khẳng định vị thế của nhà giáo Việt Nam trong hoạt động giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học so với nhà giáo ở các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nguyên tắc chung là, bảo đảm các quy định của pháp luật Việt Nam; phù hợp với điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết. Hợp tác quốc tế về nhà giáo bao gồm việc nhà giáo Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và nhà giáo nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật.
Cho rằng, nội dung hợp tác quốc tế về nhà giáo và những quy định trong dự thảo Luật Nhà giáo là tiến bộ, song TS. Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh băn khoăn khi ngay các trường đại học hiện nay, việc thu hút giảng viên người nước ngoài đến giảng dạy không dễ, bởi vướng về cơ chế, tài chính, hợp đồng hợp tác… Do đó, các văn bản dưới Luật phải quy định cụ thể hơn theo hướng thuận lợi.
“Chỉ khi chúng ta bổ sung các quy định nhằm kiến tạo chính sách hợp tác quốc tế, thu hút nhà giáo là người nước ngoài để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam thì mới thu hút được nhiều nhà giáo có trình độ cao hợp tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, nhất là những giảng viên có dự án nghiên cứu khoa học được cung cấp nguồn quỹ hỗ trợ tại quốc gia mà họ đã và đang làm việc”, TS. Huỳnh Văn Sơn nói.
TS. Huỳnh Văn Sơn cũng đề xuất bồi dưỡng cho người nước ngoài vào Việt Nam giảng dạy. Bởi họ "lâu nay chưa được công nhận chính danh là nhà giáo. Khi được cấp chứng chỉ hành nghề và công nhận là nhà giáo thì họ cần được bồi dưỡng về văn hóa, đạo đức nghề giáo Việt Nam. Đây là việc hết sức quan trọng”.