Trường Đại học Ngoại thương vừa phối hợp cùng Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp của Bộ KH&CN, Viện kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Từ đại học đổi mới sáng tạo tới doanh nghiệp khởi nghiệp”.
Hội thảo có sự tham gia của đại diện một số cơ quan quản lý Nhà nước về thuế và đầu tư nước ngoài, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một số tổ chức, trường đại học, viện nghiên cứu và nhiều nhà khoa học, giảng viên, sinh viên.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, trong bối cảnh đổi mới, sáng tạo trở thành động lực cốt lõi quyết định năng lực cạnh tranh của các quốc gia và các tổ chức, doanh nghiệp. Sự phát triển của đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu nói chung trên toàn thế giới, trong khu vực và ở Việt Nam.
Cùng với những tiến bộ vượt bậc và với xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, các đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam, đặc biệt khi hệ sinh thái này được kết nối quốc tế.
Theo PGS Tuấn, Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó xác định tầm nhìn trở thành một đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á. Trong những năm qua, nhà trường đã thực thi nhiều cơ chế và chính sách mới để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Với dự án “Nhà giáo dục truyền cảm hứng sáng tạo”, Trường Đại học Ngoại thương đặt ra mục tiêu, mỗi viên chức trong nhà trường là một người dám sáng tạo, một hạt nhân truyền cảm hứng đổi mới sáng tạo cho người học và cho cộng đồng. Tư duy và hành động đổi mới sáng tạo được lan tỏa tới từng đơn vị, từng viên chức và từng người học thông qua các khóa huấn luyện, đào tạo, dự án, kế hoạch đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra, hệ sinh thái khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương được đánh giá là hàng đầu trong các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của sinh viên trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.
“Sự thành công của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp do sinh viên nhà trường làm chủ và được ươm tạo, nuôi dưỡng bởi nhà trường là minh chứng rõ nét cho kết quả của quá trình phát triển đại học đổi mới sáng tạo”, PGS Tuấn nói.
Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho hay, Hội thảo “Từ đại học đổi mới sáng tạo tới doanh nghiệp khởi nghiệp” được tổ chức với mong muốn trở thành diễn đàn mở để các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức giáo dục đại học cùng các doanh nghiệp trao đổi những giải pháp, ý tưởng đột phá.
Từ đó, khơi nguồn cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đại học đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên.
4 diễn giả trình bày tham luận tại Hội thảo gồm: PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện Đào tạo và Tư vấn doanh nghiệp, Trường Đại học Ngoại thương; ông Từ Minh Hiệu - Phó trưởng phòng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ, Bộ KH&CN;
Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế, Ủy viên BCH Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Tập đoàn Green+; PGS.TS Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục cùng đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi sôi nổi về việc triển khai chương trình đổi mới sáng tạo thực chất và hiệu quả tại trường đại học, bài học từ mô hình đổi mới sáng tạo tại các trường đại học lớn trên thế giới; cũng như ươm mầm các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam.
Được biết, năm 2021, Trường Đại học Ngoại thương đã xây dựng chiến lược phát triển nhà trường giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040, trong đó xác định tầm nhìn trở thành một đại học đổi mới sáng tạo, nằm trong nhóm các đại học hàng đầu Châu Á.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, nhà trường tập trung phát huy tự chủ đại học, đổi mới quản trị đại học và chuyển đổi số, phát triển đội ngũ và nâng cao năng lực nghiên cứu; Thành lập phân hiệu, doanh nghiệp và viện nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện thành lập các trường thành viên; Phát triển ngành đào tạo mới, tăng cường cơ sở vật chất, củng cố nền tảng và phát triển vùng lõi của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Cải thiện các tiêu chí xếp hạng quốc tế.
Giai đoạn 2026 - 2030, nhà trường sẽ phát triển các ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực mới, liên ngành; Thành lập các trường thành viên, hoàn thiện cơ cấu tổ chức và quản trị đại học; Hoàn thành các dự án mở rộng khuôn viên; Phát triển các hoạt động nghiên cứu mũi nhọn;
Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, chuyển giao tri thức, trở thành điển hình của đại học đổi mới sáng tạo trong khối ngành kinh tế, kinh doanh tại Việt Nam; Được xếp hạng trong nhóm 300 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030.