Người bệnh nữ, 54 tuổi (xã Phương Viên, huyện Hạ Hoà, Phú Thọ) đến Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa thăm khám do thấy đau họng nhiều, nuốt nghẹn, nuốt vướng, không nuốt được nước bọt, họng xuất tiết nhiều đờm dãi. Trước đó, bệnh nhân có thời gian dài sử dụng thuốc nam ở nhà để chữa bệnh xương khớp.
Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa đã thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết.
Qua thực hiện nội soi tai - mũi - họng, bác sĩ phát hiện có dị vật nằm ngang gốc lưỡi thanh thiệt của người bệnh. Bác sĩ đã khéo léo tiến hành gắp dị vật, lấy ra được đoạn cành cây nghi ngờ là cành cây thuốc, độ dài khoảng 5cm.
Bác sĩ Trương Thị Thu Phương, Phòng khám Tai - Mũi - Họng, Trung tâm Y tế huyện Hạ Hòa cho biết, cấu trúc họng gồm nhiều khe, rãnh, hố nên dị vật dễ rơi vào.
Dị vật họng là thường gặp trong các trường hợp mắc dị vật ở cả người lớn và trẻ em. Thông thường, các trường hợp dị vật sẽ được bác sĩ tai mũi họng thăm khám, phần đa các trường hợp được lấy bỏ dễ dàng, không để lại biến chứng. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt phải được xử trí cấp cứu, thậm chí là cấp cứu khẩn cấp.
"Nếu không được xử trí đúng và kịp thời, dị vật họng có thể gây những biến chứng như: ngạt thở cấp (hay gặp trong dị vật đường thở), áp-xe thành họng, hạ họng...", bác sĩ Trương Thị Thu Phương cho biết.
Bác sĩ Trương Thị Thu Phương khuyến cáo người dân ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc dị vật cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai - mũi - họng gần nhất để được xử trí kịp thời, đúng cách, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.