Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Việt Nam tại Phần Lan Phạm Thị Thanh Bình nhấn mạnh: “Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hợp tác giữa hai tổ chức nói riêng cũng như hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Phần Lan nói chung”.
Giáo dục mầm non không chỉ là một giai đoạn trong cuộc đời của một đứa trẻ. Đó là giai đoạn đặt nền tảng cho mọi quá trình học tập và phát triển tiếp theo của các em. Những trải nghiệm và bài học mà các em thu nhận được trong những năm tháng đầu đời này có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển trí tuệ, xã hội và cảm xúc lâu dài về sau.
Vì thế, “bằng cách đầu tư vào giáo dục mầm non, chúng ta không chỉ nuôi dưỡng tiềm năng cá nhân mà còn góp phần tạo ra một xã hội thông thái hơn, có năng lực và đầy lòng nhân ái. Tôi tin rằng, thông qua việc kiến tạo và chia sẻ nền giáo dục tốt nhất cho trẻ em, chúng ta có thể định hình tương lai của mỗi đứa trẻ và rộng hơn là tương lai của xã hội”, Đại sứ Phạm Thị Thanh Bình tin tưởng.
Laulau nổi bật với phương pháp Vẽ bài hát (Laulau Songdrawing method), là hoạt động đa giác quan, trong đó ca hát, vẽ, vận động và kể chuyện được kết hợp xuyên suốt quá trình giáo dục toàn diện và chú trọng tương tác. Trẻ em sẽ vẽ tranh minh họa theo những bài hát vui nhộn được sáng tác chuyên biệt. Phương pháp này hỗ trợ trẻ học liên môn, đồng thời mang lại trải nghiệm tương tác và hòa nhập.
Phương pháp Vẽ bài hát cũng khuyến khích trẻ em sáng tạo, tập trung, giao tiếp và hợp tác; khuyến khích trẻ khai phá, thể hiện và hình ảnh hóa cảm xúc, suy nghĩ và quan sát của mình một cách tự nhiên và sinh động.
Với triết lý giáo dục thông qua nghệ thuật có định hướng, phương pháp giáo dục của Laulau đã được áp dụng hiệu quả không chỉ ở các trường mầm non tại Phần Lan mà còn được triển khai tại Anh, Estonia và Singapore.
Bà Minna, người sáng lập Laulau cho biết: “Trong nhiều năm qua, tôi luôn đau đáu với việc xây dựng cầu nối giữa các nền văn hóa và ngôn ngữ. Vì âm nhạc là một thứ rất mạnh mẽ và cũng rất phổ quát, tôi thực sự mong muốn chia sẻ những trải nghiệm của Phần Lan và lan tỏa sức mạnh, niềm vui của âm nhạc cũng như học tập thông qua nghệ thuật ra ngoài biên giới Phần Lan”.
Với lễ ký kết hợp tác vừa qua, hệ thống giáo dục mầm non Phần Lan (FIS) sẽ là đơn vị tiên phong nghiên cứu ứng dụng phương pháp giáo dục Laulau tại Việt Nam. “Chúng tôi đã có sự hợp tác tuyệt vời tại Vương quốc Anh, Estonia và Singapore; giờ đây là Việt Nam thông qua FIS. Tôi thực sự mong đợi những trải nghiệm đầu tiên của trẻ em Việt Nam với các phương pháp của Laulau”.
Chị Nguyễn Đào Ngọc Anh, người sáng lập FIS, cho biết: “Cách đây 6 năm, khi bắt đầu mở trường mầm non đầu tiên tại Việt Nam, tôi đã luôn trăn trở làm sao để trẻ học tập hiệu quả mà vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc. Giáo dục Phần Lan thực sự đã là giải pháp cho tôi tại thời điểm đó - với nền tảng học tập thông qua vui chơi và cá nhân hóa từng trẻ”.
6 tháng trước, chị Ngọc Anh đã gặp bà Minna và tiếp cận với phương pháp học tập Laulau tại một sự kiện giáo dục lớn ở Helsinki. Chị Ngọc Anh nhận thấy, Laulau là một mảnh ghép cần thiết cho FIS nói riêng và cho trẻ em Việt Nam nói chung, khi đâu đó những em bé vẫn còn phải chịu áp lực học tập dưới sự kỳ vọng của thầy cô, bố mẹ và xã hội. “Tôi tin Laulau sẽ như một dòng nước mát, nuôi dưỡng niềm vui lấp lánh của trẻ thơ mà vẫn mang lại hiệu quả giáo dục cao vì khơi dậy óc sáng tạo, tò mò và tình yêu tự nhiên đối với việc học tập của mỗi đứa trẻ”.
Tháng 8 tới, đại diện của Lau Lau Learning sẽ có mặt tại Việt Nam để chia sẻ về phương pháp giáo dục này cũng như tập huấn cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước.