Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TƯ về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo triển khai với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, thực chất, hiệu quả. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong tổ chức thực hiện chỉ đạo của Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng trong những năm vừa qua.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp được quan tâm. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có sự chuyển biến rõ nét và thực chất. Việc xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành kịp thời.
Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động; đặc biệt là các phong trào thi đua gắn với những chủ đề thiết thực, như: “Đẩy mạnh cải cách hành chính”, “Trật tự văn minh đô thị”, “Vệ sinh, an toàn thực phẩm”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Người tốt, việc tốt”...
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể Nhân dân Thủ đô và chúc mừng những tập thể, cá nhân tiêu biểu được vinh danh, khen thưởng tại hội nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị, sau hội nghị này, các đơn vị từ thành phố đến cơ sở, khẩn trương tổ chức tổng kết Chỉ thị số 34-CT/TƯ, đánh giá thực chất những kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thiết thực nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các đơn vị tập trung thực hiện hiệu quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2024); phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024 của cơ quan, đơn vị mình; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; từng bước xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động, là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ. Qua tổng kết cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ thị, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, nước ta là nước đang phát triển, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được các mục tiêu đó, đòi hỏi sự quyết tâm cao độ, sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Hà Nội phát triển nhanh và bền vững sẽ góp phần quan trọng lan tỏa, thúc đẩy cả nước cùng phát triển.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Trong quá trình đó, Hà Nội cần phát huy vai trò tích cực của công tác thi đua khen thưởng và những kết đã đạt được, đồng thời khắc phục hạn chế đã được chỉ ra. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực, trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Đặc biệt là, thi đua cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt. Thi đua phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới. Thi đua xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Phát huy quyền làm chủ và vai trò của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với Nhân dân. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng các gương điển hình tiên tiến, “Người tốt, việc tốt”; động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác, cống hiến cho xã hội; làm cho các phong trào thi đua của Hà Nội có sức sống mạnh mẽ trong đời sống xã hội, trở thành hình mẫu cho các địa phương trong cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị, các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TƯ và Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt đã được biểu dương, khen thưởng, cụ thể: 10 tập thể đã được nhận Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy; 20 tập thể được nhận Cờ Thi đua của UBND thành phố; 44 tác giả, nhóm tác giả được nhận Bằng “Sáng kiến Thủ đô”.