Cải thiện chất lượng khám chữa bệnh BHYT
Theo BHXH tỉnh Đồng Nai, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7.9.2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Kế hoạch số 136-KH/TU ngày 14.12.2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh công tác BHYT trong tỉnh hình mới, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh tăng từ gần 53% năm 2009 lên 93% vào năm 2023. Số thu BHYT tăng hàng năm và đều vượt kế hoạch được giao. Đồng Nai là một trong số ít các tỉnh có quỹ BHYT luôn bảo đảm cân đối và có kết dư. Từ nguồn quỹ kết dư, tỉnh đã trích một phần để mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở y tế và hỗ trợ, mua thẻ BHYT cho một số nhóm đối tượng.
Cùng với đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng nâng cao, trình độ tay nghề, thái độ của nhân viên y tế đối với người bệnh thường xuyên được cải thiện, đặc biệt ở tuyến cơ sở. Người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT
Theo Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành, cùng với sự mở rộng độ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh, số lượt khám chữa bệnh và chi phí cũng gia tăng theo. Nếu như năm 2009, số lượt khám chữa bệnh là trên 2,8 triệu lượt, đến cuối năm 2023, số lượt khám chữa bệnh đã tăng trên 7,4 triệu lượt. Tổng giai đoạn 2009 - 2024, chính sách BHYT đã bảo đảm quyền lợi khám chữa bệnh cho khoảng 70 triệu lượt với số chi trên 26.000 tỷ đồng.
Giải phápphát triển đối tượng tham gia BHYT
Tuy nhiên, theo BHXH tỉnh Đồng Nai, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Trong đó, nổi bật là chưa có quy định pháp lý đầy đủ để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tế khám chữa bệnh, một số văn bản quy định, hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHYT một số thời điểm chưa phù hợp, một bộ phận người dân vẫn thiếu thông tin và nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT.
Cùng với đó, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến đầu tiếp nhận BHYT nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, nhất là tại các Trạm Y tế. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Mặt khác, một số cơ sở khám chữa bệnh có biểu hiện trục lợi quỹ BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và lãng phí Quỹ BHYT.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 96% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt 85 - 90%, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh, cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BHYT và quản lý quỹ BHYT. Động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, phê bình những đơn vị, cá nhân còn hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên trao đổi, rà soát, đối chiếu và xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT.
Ngành BHXH chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về những giải pháp, cơ chế, chính sách để phát triển đối tượng tham gia BHYT, đóng BHYT và tổ chức triển khai thực hiện. Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế. Từ đó bảo đảm thuận lợi cho người dân được thụ hưởng tốt nhất các dịch vụ y tế; tạo công bằng trong việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT. Nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý toàn diện sức khỏe người dân, thường xuyên thực hiện công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức đến đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế.
Giám đốc BHXH tỉnh Đồng Nai Phạm Minh Thành cũng nhấn mạnh sự phối hợp giữa cơ quan BHXH với các cơ sở khám chữa bệnh BHYT nhằm kiểm soát gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm cân đối nguồn kinh phí, đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT. Các cơ sở y tế rà soát, ban hành kịp thời các quy trình, hướng dẫn chuyên môn trong khám chữa bệnh BHYT; tuân thủ các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh, chỉ định sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ y tế bảo đảm hợp lý, an toàn, hiệu quả; tránh lãng phí gây thất thoát quỹ BHYT.