Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang.
Bổ sung 3 chức danh vào đối tượng cảnh vệ là phù hợp
Tham gia phát biểu tại Tổ 13, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ hiện hành; đồng thời nêu rõ, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng trong thời gian gần đây về xây dựng lực lượng Công an nhân dân, nhất là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nội dung xây dựng lực lượng Công an nhân dân; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16.3.2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; Kết luận số 35-KL/TW, ngày 5.5.2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24.11.2023 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới; góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảmtrật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu, hoạt động và hành vi, yếu tố khác xâm hại đến sự an toàn của đối tượng cảnh vệ.
Đóng góp ý kiến với quy định về đối tượng cảnh vệ (khoản 3 Điều 1), các ĐBQH Trần Thị Vân (Bắc Ninh), Ngô Trung Thành (Đắk Lắk)... nhất trí với việc bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao như dự thảo Luật. Điều này nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng, nhất là Kết luận 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và bảo đảm tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Các đại biểu cũng nêu rõ, việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị.
Rà soát, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật
Đóng góp ý kiến với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục hành chính và khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý trong công tác quản lý nhà nước và phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Đặc biệt, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, nội dung dự thảo Luật đã bám sát 4 chính sách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Cụ thể, chính sách 1 là: Hoàn thiện quy định về khái niệm vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới; quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu dao có tính sát thương cao.
Chính sách 2 là: Cắt giảm, đơn giản hoá giấy tờ, hồ sơ quy định trong các thủ tục hành chính về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; quy định cấp giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không quy định thời hạn giấy phép sử dụng và chuyển việc cấp giấy xác nhận đăng ký sang cấp giấy phép sử dụng công cụ hỗ trợ.
Chính sách 3 là: Cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng.
Chính sách 4 là: Sửa đổi, bổ sung một số quy định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, doanh nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ bản thống nhất với những nội dung quy định của dự thảo Luật và báo cáo giải trình của cơ quan thẩm tra, tuy nhiên, để Luật sau khi có hiệu lực thi hành phù hợp với thực tế cuộc sống, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nêu vấn đề: Tại khoản 2, Điều 3 quy định về vũ khí quân dụng, trong đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ ban hành Danh mục các loại vũ khí - điều này được hiểu, các loại vũ khí có trong 2 loại Danh mục này sẽ được xem là vũ khí quân dụng.
Tuy nhiên, tại điểm đ khoản này có quy định “Vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quy định tại điểm a và b khoản này không trong danh mục do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành”. Như vậy, bất kỳ vũ khí nào có tính năng theo mô tả - có trong Danh mục hay không có trong Danh mục đều là vũ khí quân dụng; nếu theo hướng quy định này thì không cần thiết phải ban hành Danh mục. Lưu ý điều này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị, cân nhắc bỏ quy định về việc phải ban hành Danh mục các loại vũ khí quy định tại khoản 2, Điều 3.
Tương tự, với khoản 11 giải thích cụm từ “công cụ hỗ trợ”, nhưng quy định này lại có nhiều điểm chồng lấn với quy định về vũ khí quân dụng tại khoản 2, Điều 3. Nêu vấn đề này, đại biểu Lê Thị Thanh Lam dẫn ra ví dụ cho thấy, “súng”, linh kiện của súng đều có thể được xếp vào vũ khí quân dụng hoặc công cụ hỗ trợ. Việc không phân biệt rõ hai khái niệm này dẫn tới việc xác định, áp dụng chính sách quản lý đối với vũ khí và công cụ hỗ trợ sẽ gặp khó khăn.
“Đề nghị rà soát lại quy định về hai khái niệm này để phân biệt rõ vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ”, đại biểu Lê Thị Thanh Lam nói.
Cùng quan tâm về quy định giải thích từ ngữ tại Điều 3, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu vấn đề: Khoản 4 quy định, vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản, bao gồm: Kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành; Dao có tính sát thương cao là dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành. Trường hợp sử dụng dao có tính sát thương cao vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Tiếp đó, tại khoản 13, Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Kinh doanh” là việc mua bán vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ. Trong khi đó, khoản 21, Điều 4 Luật Doanh nghiệp quy định: Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận.
Chỉ ra những điểm khác nhau này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị, cần rà soát lạicác quy định để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại Điều 5 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó, khoản 12 quy định “Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, khoản 7, Điều 7 Luật Quảng cáo đã cấm quảng cáo “Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực”. Cho rằng, trong dự thảo Luật không cần thiết quy định về vấn đề quảng cáo, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị bỏ quy định này.
Về chính sách của Nhà nước, dự thảo Luật chưa có quy định riêng về chính sách của Nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị xem xét bổ sung một điều quy định về vấn đề này. Trong đó, xác định những nội dung mà Nhà nước độc quyền, những lĩnh vực mà Nhà nước ưu tiên đầu tư hoặc tạo cơ chế khuyến khích các chủ thể khác trong xã hội đầu tư như vấn đề sản xuất vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để xuất khẩu.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo số 133/BC-BCA-C06 ngày 16.1.2024 của Bộ Công an tổngkết 5 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, thì: “Một bộ phận Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nên chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật trong lĩnh vực này”. Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.
Tại Phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về quy định trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng tiền chất thuốc nổ.